|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Mở cửa TTCK phái sinh: Nâng tầm chứng khoán Việt

20:33 | 11/08/2017
Chia sẻ
Chứng khoán phái sinh là sản phẩm bậc cao của thị trường tài chính. Thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh khai trương hoạt động ngày 10/8/2017 đã đánh dấu bước phát triển mới, theo chiều sâu của một thị trường tài chính hiện đại. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo ông, sự ra đời của TTCK phái sinh ghi dấu mốc như thế nào đối với lịch sử phát triển của TTCK Việt Nam?

Sau 17 năm đi vào hoạt động, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh, nhưng cấu trúc thị trường chưa hoàn thiện khi chỉ có các sản phẩm là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu, đây đều là các công cụ tạo lợi nhuận.

Quy mô thị trường cổ phiếu Việt Nam hiện đạt trên 59% GDP, quy mô thị trường trái phiếu (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 36,9% GDP. Trong bối cảnh nền kinh tế và hệ thống tài chính quốc tế liên tục trải qua những cuộc khủng hoảng lớn nhỏ, thì những con số trên thể hiện sự phát triển lành mạnh của TTCK Việt Nam trong gần hai thập qua.

Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam, trong tương quan so sánh quá trình phát triển TTCK ở các nước trong khu vực và thế giới, thì quy mô trên có thể mở rộng nhiều hơn nữa. Vấn đề ở chỗ, nếu như cấu trúc của thị trường chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và đầy đủ, thì khả năng thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của thị trường sẽ còn gặp nhiều thách thức.

TTCK phái sinh là mảnh ghép quan trọng. Sự ra đời của thị trường này góp phần tạo ra bức tranh hoàn thiện hơn cho TTCK, trong đó có cả hai mảng: thị trường tạo lập giá trị và thị trường bảo vệ giá trị.

mo cua ttck phai sinh nang tam chung khoan viet
Ông Nguyễn Thành Long

Ở cấp độ tư duy chiến lược, cho ra đời TTCK phái sinh đồng nghĩa với việc nền kinh tế, các nhà đầu tư, các thành viên thị trường chấp nhận các nguyên tắc của thị trường.

Theo đó, chúng ta sẽ sử dụng các công cụ trên thị trường tài chính, đặc biệt trên thị trường phái sinh, để biến những thách thức (rủi ro) trên thị trường cơ sở hoặc trong các hoạt động kinh doanh, thương mại trở thành những cơ hội.

Điều đó cũng có nghĩa, chúng ta đang tạo ra những cơ sở nền tảng để thúc đẩy quá trình thị trường hóa nền kinh tế Việt Nam. Tiến tới mọi sản phẩm, dịch vụ đều có thể được giao dịch tự do theo các nguyên tắc cung cầu của thị trường thay vì kiểm soát, điều hành giá cả bằng các biện pháp hành chính.

Nếu như chưa có thị trường phái sinh, chưa có các công cụ hấp thụ rủi ro biến động giá, thì việc thị trường hóa các sản phẩm, dịch vụ còn gặp nhiều thách thức.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc ra đời TTCK phái sinh là bước đột phá, giúp củng cố vị thế của TTCK Việt Nam trong cộng đồng đầu tư quốc tế, góp phần giúp thị trường tài chính Việt Nam tích hợp và hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính quốc tế, từ đó gián tiếp cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam trong tương quan so sánh với sự cạnh tranh trong khu vực hiện nay.

Về lâu dài, theo thông lệ quốc tế, TTCK phái sinh sẽ tiếp tục được phát triển với nhiều sản phẩm khác, bắt đầu từ chứng khoán phái sinh dựa trên các sản phẩm tài chính, tới chứng khoán phái sinh dựa trên các sản phẩm hàng hóa (phi tài chính).

Sự vận động này mang tính quy luật khách quan, khi mà nền kinh tế được vận hành theo nguyên tắc thị trường và giá cả các hàng hóa được điều chỉnh bởi thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc phải có các công cụ hấp thụ những biến động do thị trường trong nước và quốc tế tạo ra, đó chính là vai trò và chức năng chủ yếu của TTCK phái sinh.

Đưa TTCK phái sinh vào vận hành mang lại những giá trị và ý nghĩa gì trong việc hoàn thiện cấu trúc và hiện đại hóa TTCK, thưa ông?

Thứ nhất là hình thành một phân mảng mới của TTCK, giúp hoàn thiện cấu trúc tổ chức của thị trường. Việc hoàn thiện cấu trúc thị trường giúp bổ sung chức năng cho thị trường tài chính nói chung, TTCK nói riêng.

Cụ thể, ngoài chức năng huy động và phân phối nguồn vốn theo tín hiệu thị trường, thì nay TTCK có thêm chức năng phân tán và phòng ngừa rủi ro cho nền kinh tế. Việc có thêm chức năng này không những giúp thị trường tài chính hoạt động ổn định và phát triển bền vững hơn, mà còn giúp cho nền kinh tế thích ứng tốt hơn với những cú sốc trong và ngoài nước trong bối cảnh hội nhập.

Thứ hai, TTCK phái sinh ra đời giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro, yên tâm hơn trong việc bỏ vốn để đầu tư vào TTCK, thời gian đầu tư kéo dài hơn. Mức độ biến động của TTCK sẽ ít hơn, hoạt động phát hành trên TTCK để huy động vốn phục vụ cho nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ ổn định hơn.

TTCK phái sinh thực chất là thị trường phân tán và phòng ngừa rủi ro, giúp người tham gia thị trường bảo vệ được lợi nhuận trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Thứ ba, việc đa dạng hóa sản phẩm trên TTCK, đặc biệt các sản phẩm giúp phòng ngừa rủi ro còn thu hút thêm và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong trung và dài hạn, giúp TTCK thanh khoản hơn, từ đó cải thiện bức tranh của TTCK, hệ thống tài chính và của cả nền kinh tế, cải thiện định mức tín nhiệm quốc gia, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và tiết giảm chi phi huy động vốn của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Sự ra đời TTCK phái sinh tập trung đầu tiên tại Việt Nam sẽ góp phần nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam trong khu vực và quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập trong lĩnh vực tài chính, kinh tế.

Thứ tư, TTCK phái sinh là giải pháp thúc đẩy toàn diện quá trình tái cấu trúc TTCK. Theo đó, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư theo hướng gia tăng sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có trình độ hiểu biết về chứng khoán phái sinh.

Từ đó, giúp TTCK vận hành ổn định, an toàn và bền vững hơn, tránh được các biến động phi thị trường do hoạt động của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thực hiện theo phong trào, theo tâm lý đám đông. Đồng thời, tác động tích cực đến tiến trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Đây được coi là giải pháp tiếp theo để tiếp tục phân loại, hạn chế hoạt động kinh doanh chứng khoán của các tổ chức kinh doanh chứng khoán yếu kém về năng lực tài chính, từ đó đào thải dần các tổ chức này bằng các nguyên tắc và quy luật của thị trường; tạo tiền đề cho sự ra đời và vận hành của Trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh theo mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP).

Thứ năm, TTCK phái sinh ra đời đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước. Đã từng có thời gian, một số tổ chức, cá nhân tự ý triển khai các sản phẩm phái sinh được giao kết dưới hình thức thỏa thuận dân sự, đặc biệt là các giao dịch trạng thái tài khoản vàng, mang tính chất “lách luật”. Điều này tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Trong bối cảnh hội nhập và tự do hóa nền kinh tế theo tín hiệu thị trường, thì một thực tế khách quan là chúng ta phải xây dựng hệ thống quy định pháp lý và cho ra đời TTCK phái sinh để quản lý theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, đảm bảo trật tự thị trường, tính công bằng, minh bạch và hướng tới lợi ích của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, chứng khoán phái sinh không hoàn toàn mang lại lợi ích, mà kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các sản phẩm này cũng tiềm ẩn rủi ro do: tỷ lệ đòn bẩy cao, quản trị công ty có nhiều hạn chế, rủi ro đối tác mất khả năng thanh toán..., nên điều quan trọng là phải phát huy tối đa các tác động tích cực, giảm thiểu các ảnh hưởng không mong muốn.

Từ kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn phát triển của TTCK Việt Nam, TTCK phái sinh cần trải qua những giai đoạn phát triển nào để vừa đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư, hiện đại hóa cấu trúc TTCK, vừa đảm bảo phát triển bền vững, lành mạnh?

Là một thị trường đi sau, chúng ta đã kế thừa được nhiều kinh nghiệm phát triển TTCK phái sinh từ các quốc gia trước, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 - 2009. Về cơ bản, việc xây dựng và phát triển TTCK phái sinh gồm 3 giai đoạn lớn:

Giai đoạn đầu từ 2013 - 2016, tập trung xây dựng chiến lược phát triển cho thị trường, trong đó quan trọng nhất là xác lập mô hình cấu trúc thị trường, bảo đảm giảm thiểu các nguyên nhân, hạn chế dẫn tới những bất ổn, thậm chí là khủng hoảng hệ thống tài chính, ngân hàng. Điều này, chúng ta đã xử lý được thông qua việc xác lập mô hình đối tác trung tâm CCP, không chỉ phục vụ hoạt động thanh toán, bù trừ cho thị trường phái sinh niêm yết, mà về lâu dài là cả thị phái sinh OTC.

Giai đoạn tiếp theo, sau khi TTCK phái sinh được đưa vào vận hành, sẽ triển khai theo lộ trình tại Quyết định 366/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam.

Trước mắt, tập trung khai thác và giao dịch Hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Sau một thời gian triển khai, chúng ta sẽ đánh giá và triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số HNX30, cũng như Hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ.

Giai đoạn sau năm 2020, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của TTCK phái sinh, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch. Trong giai đoạn này, cũng cần nghiên cứu để có lộ trình triển khai các sản phẩm quyền chọn và các sản phẩm phái sinh khác. Thông thường, các quyền chọn phổ biến là quyền chọn cổ phiếu, quyền chọn chỉ số và quyền chọn hợp đồng tương lai.

Việc mở rộng sản phẩm phái sinh dựa trên các hàng hóa cơ sở khác, không phải là chứng khoán, như thị trường phái sinh theo thông lệ quốc tế, cũng cần phải nghiên cứu và xem xét trong giai đoạn này, góp phần phát triển thị trường tài chính và đưa thị trường này thật sự trở thành kênh huy động vốn chủ đạo, bền vững cho nền kinh tế.

Là một trong những chủ thể quan trọng trực tiếp tham gia xây dựng và vận hành TTCK phái sinh, HNX đã phải vượt qua những thách thức nào để thành công trong đưa thị trường này vào hoạt động, thưa ông?

Để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống cho TTCK phái sinh hoạt động, chúng tôi đã mất gần 18 tháng. Có thể nói, đây là thời gian ngắn chưa từng có cho một hệ thống giao dịch, thanh toán hoàn toàn mới. Quá trình xây dựng hệ thống, chúng tôi cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.

TTCK phái sinh rất đặc thù, không giống các sản phẩm cơ sở hiện có, nên chúng tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều để có thể đưa ra các bài toán nghiệp vụ phát triển hệ thống, với những tính năng cần thiết đặc thù. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế rất đa dạng, nên để đưa ra quyết định cuối cùng cho thiết kế hệ thống, chúng tôi đã tìm hiểu không chỉ những thị trường trong khu vực, mà phải tìm hiểu tới hơn 30 thị trường với rất nhiều sản phẩm và quy định về giao dịch, thanh toán.

Trong bối cảnh kỹ thuật giao dịch, thanh toán ngày một hiện đại, các thị trường lại thay đổi hệ thống mới, nên lựa chọn một phương án phù hợp với khả năng hiện tại của thị trường Việt Nam là không đơn giản.

Việc tìm kiếm đối tác có giải pháp đáp ứng cho HNX và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam trên cùng một nền tảng công nghệ, có tích hợp đủ các nghiệp vụ, nhằm đảm bảo thời gian phát triển đồng bộ và nhanh chóng là một khó khăn khác, khi mà luôn phải cân nhắc chi phí. Việc lựa chọn một hệ thống giúp hỗ trợ kết nối toàn thị trường cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.

Hữu Hòe (thực hiện)

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.