Bloomberg: IPO nở rộ cho thấy chứng khoán Việt còn nhiều 'đất' tăng trưởng
Đầu tư trực tiếp nước ngoài đi lên; nền kinh tế ngày càng tăng tốc; kế hoạch cổ phần hóa giúp mở rộng quy mô thị trường. Tất cả những yếu tố này khiến giới đầu tư nước ngoài thêm lạc quan rằng vẫn còn nhiều cơ hội trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam đang trên đà tăng.
Chỉ số chứng khoán VN Index đã tăng 7,3% từ đầu năm đến nay, sau khi tăng tới 15% trong năm 2016. Hôm 23/2, có lúc chỉ số lên mức cao nhất trong vòng 9 năm. Dù thị trường từ đó đến nay tỏ ra thiếu định hướng, các ông chủ quỹ đầu tư vẫn tiếp tục mua vào.
CEO của công ty đầu tư Asia Frontier Capital, ông Thomas Hugger cho rằng thị trường sẽ còn tăng trưởng và công ty sẽ tiếp tục mua thêm. Quỹ Asia Frontier sinh lãi tới 30,5% trong năm ngoái, vượt thành tích so với 92% các doanh nghiệp cùng ngành. Chia sẻ với Bloomberg, ông cho biết thích mua cổ phiếu ngành cơ sở hạ tầng, bất động sản, hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Còn James Bannan, quản lý quỹ tại công ty quản lý tài sản Coeli Asset Management SA ở Malmo, Thụy Điển cho biết ông lạc quan về Việt Nam. Công ty Coeli Asset hiện chỉ đầu tư vào cổ phiếu tiêu dùng. Gần đây công ty đã mua thêm cổ phần tại Thế giới Di động và Công Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Một nhà đầu tư khác, ông Shamoon Tariq đến từ công ty Tundra Fonder AB ở Stockholm cho hay, công ty ông đã đầu tư khoảng 70 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt và sẽ còn mua thêm khi có nhiều công ty mới xuất hiện. Lĩnh vực công nghiệp, tài chính, tiêu dùng và bất động sản sẽ tăng giá tốt trong năm nay, theo dự báo của doanh nhân này.
Ở Việt Nam gần đây, một loạt các công ty mới niêm yết đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu. Trong vài tháng qua, trong số những cái tên nóng nhất phải kể đến Tổng Công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Vietjet, Công ty CP Đầu tư Novaland. Còn trong năm nay, sẽ có những doanh nghiệp đáng chú ý gia nhập thị trường như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Thị trường chứng khoán Việt càng tăng trưởng khi những cái tên mới, nóng vừa gia nhập. |
Các công ty mới niêm yết góp phần phân nửa trong việc vốn hóa thị trường tăng vọt 58% trong hơn 12 tháng qua. Tổng giá trị các cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tương đương 32% tổng sản phẩm quốc nội, gần ngang bằng tỷ lệ của Indonesia hiện nay là 39%.
Hồi tháng một, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn trên Bloomberg TV rằng Việt Nam sẽ nới room tỷ lệ sở hữu ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại ngay trong năm nay. Động thái này diễn ra sau khi bán thành công cổ phần Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) hồi tháng 12 năm ngoái. Trong báo cáo hôm 13/1, công ty TNHH Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam dự báo làn sóng niêm yết mới, IPO mới và bán cổ phần Nhà nước mới sẽ còn tiếp tục trong năm nay.
Kinh tế ngày càng tăng trưởng, thị trường sẽ càng phát triển, nhất là khi GDP Việt Nam đang trong xu hướng đi lên trong những năm gần đây, bất chấp các láng giềng chững lại hoặc thụt lùi. Các chuyên gia do Bloomberg khảo sát dự báo nền kinh tế sẽ mở rộng 6,5% trong năm 2017, còn mục tiêu của Chính phủ là 6,7%.
Ngân hàng Thế giới từng dự báo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng tới 8% đến năm 2030. Bất chấp thực tế TPP đã vào ngõ cụt, lực lượng lao động giá rẻ cùng hệ thống cảng biển khá tốt của Việt Nam vẫn tiếp tục là yếu tố thu hút đầu tư.
Số liệu của Chính phủ cho biết số tiền giải ngân cho các dự án FDI đã đi lên năm thứ 5 liên tiếp, đến 2016 tăng 9% đạt mức kỷ lục 15,8 tỷ USD. Tháng trước, Samsung Display được trao giấy chứng nhận đầu tư, rót thêm 2,5 tỷ USD vào cơ sở nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh.
Dù không có TPP thì "câu chuyện của Việt Nam vẫn mạnh mẽ nhờ khả năng thu hút việc làm trong ngành sản xuất chi phí thấp", ông Hugger từ Asia Frontier bình luận. "Điều này được phản ánh trong tuyên bố mở rộng sản xuất của Samsung mới đây".
Mặc dù vậy, vẫn còn những rủi ro ở phía trước. Việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản, chủ nghĩa bảo hộ dâng cao, diễn biến của đồng nhân dân tệ cùng việc thanh khoản của thị trường vẫn còn tương đối thấp là những mối quan ngại chính của nhà đầu tư nước ngoài. Đó là nhận xét của bà Lê Nguyệt Ánh, đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Công ty CP Chứng khoán ACB.
Nhưng mới đây, một diễn biến mới là Pakistan ra khỏi danh sách thị trường biên của MSCI có thể sẽ làm gia tăng vị trí của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Cổ phiếu tại đây vẫn còn khá rẻ, với hệ số giá trên lợi nhuận hiện ở 13,3, khá thấp so với 17,2 và 14 của các thị trường biên khác là Ma rốc và Argentina.
"Việt Nam vẫn còn nhiều giá trị tốt về mặt định giá và tăng trưởng", ông Federico Parenti, nhà quản lý quỹ đến từ Sempione Sim Spa, Milan nói. "Cổ tức hiện ở mức khá cao và nhiều tiềm năng vẫn còn đó", ông này nhận định.