Minh bạch giá thuốc
Theo đề xuất này, tất cả hãng dược phải in giá bán lẻ trên bao bì nhằm ngăn chặn các nhà bán lẻ và hiệu thuốc bán giá vô tội vạ. Đề xuất này là một phần trong dự luật kinh doanh dược phẩm của Malaysia. Theo đó, các hãng dược đăng ký giá bán lẻ với Bộ Y tế, sau đó sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu và công bố trên website chính phủ để người dân biết.
Theo Bộ Y tế Malaysia, đề xuất này nếu được chấp thuận sẽ làm minh bạch hóa giá bán lẻ dược phẩm, giúp ổn định giá thuốc.
Hiện nhiều nước trên thế giới như Úc, Ấn Độ… cũng đã áp dụng biện pháp này để quản lý giá thuốc. Việc công khai giá bán lẻ chỉ có lợi cho bệnh nhân, giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng quản lý dược phẩm.
Còn nhớ trong kỳ họp Quốc hội tháng 3-2016, thảo luận về Luật Dược (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cho rằng giá thuốc dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian, nên khi đến tay người tiêu dùng bị đội giá lên cao. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng người bệnh đang phải mua với giá rất cao, có loại thuốc nhập về 4 triệu đồng nhưng người bệnh phải mua với giá 14 triệu đồng. Từ đó, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu phải sắp xếp lại mạng lưới lưu thông thuốc đang quá dư thừa với gần 2.000 công ty phân phối.
Với cơ chế quản lý giá thuốc như hiện nay, người bệnh ở nước ta không mua thuốc giá cao mới lạ. Các công ty dược đều có công khai "giá kế hoạch" tại Cục Quản lý dược. Các sở y tế địa phương, các bệnh viện theo giá đó để tổ chức đấu thầu thuốc. Vấn đề quan trọng ở đây là ai thẩm định "giá kế hoạch"? Việc đấu thầu thuốc vẫn còn quá nhiều bất cập, "hoa hồng" mà các hãng dược chịu chi rất cao, làm sao giá thuốc không cao.
Giá thuốc không minh bạch, các hiệu thuốc tây bán lẻ càng thích vì dễ dàng nâng giá vô tội vạ. Một loại thuốc, cùng nguồn gốc, mỗi hiệu thuốc bán mỗi giá khác nhau, có khi chênh lệch lớn.
Trong Thông tư liên tịch số 08/2003 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kê khai giá, niêm yết giá thuốc có quy định thông báo công khai giá bán lẻ thuốc bằng cách in hoặc dán hoặc ghi giá bán lẻ thuốc lên bao bì đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc hoặc thông báo công khai trên bảng, trên giấy tại nơi bán thuốc. Thông tư còn quy định các công ty dược khi nộp hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc nước ngoài tại Việt Nam phải kê khai giá bán lẻ thuốc đó tại nước sở tại, giá nhập khẩu thuốc và giá bán lẻ thuốc đó tại Việt Nam…
Những biện pháp trên là nhằm quản lý giá thuốc nhưng trên thực tế người bệnh không được công khai về giá. Trong khi đó, các công ty dược dễ dàng làm "giá kế hoạch" theo ý mình.
Do vậy, nếu áp dụng theo cách quản lý công khai giá dược phẩm như Bộ Y tế Malaysia đề xuất, buộc các nhà sản xuất ghi giá bán lẻ lên bao bì, giá thuốc sẽ rất minh bạch, dễ tổ chức đấu thầu, người bệnh mua thuốc đúng giá, cơ quan quản lý nhà nước càng dễ quản lý.
Các nhà quản lý dược than khó quản lý giá thuốc nhưng kinh nghiệm các nước quản lý thuốc như vậy, có lẽ cũng nên học tập để dân được nhờ?
Lưu Nhi Dũ