|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Miễn dịch bầy đàn' và chiến lược để chống COVID-19

15:39 | 12/03/2020
Chia sẻ
Một chuyên gia nói thế giới sẽ phải “sống chung với dịch” và dịch chỉ dừng khi đạt được "miễn dịch bầy đàn" trong cộng đồng.

Chỉ sau hơn một tháng, thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Từ chỗ chỉ chú ý tới tâm dịch Vũ Hán, cho tới giờ rất khó nắm bắt hết tình hình dịch bệnh ở quá nhiều ổ dịch cũ và mới.

WHO hôm 11/3 chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu khi số ca nhiễm tăng tới 122.000 người với hơn 4.500 ca tử vong. Dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh ở châu Âu, Trung Đông và Mỹ bên cạnh các điểm nóng ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Giáo sư Dale Fisher, chuyên về bệnh truyền nhiễm, Đại học Quốc gia Singapore, cũng trong phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới Trung Quốc cuối tháng 2 vừa qua, không lạc quan về diễn biến của dịch bệnh.

'Miễn dịch bầy đàn' và chiến lược để chống COVID-19 - Ảnh 1.

Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Ảnh: NUS.

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Fisher, cũng là Chủ tịch mạng lưới báo động và phản ứng dịch bệnh toàn cầu (GOARN) thuộc WHO, cho rằng chỉ khi đạt được “miễn dịch bầy đàn”, với khoảng 60% thế giới “có bệnh”, thì Covid-19 mới ngừng lây nhiễm.

Viễn cảnh khó tin và đáng sợ mà ông nêu ra từng được ba chuyên gia khác nhắc đến kể từ đầu dịch, với các ước tính tương tự.

Ông Fisher nhắc tới ước tính của nhà dịch tễ học Đại học Harvard Marc Lipsitch, nói có thể 40-70% dân số thế giới nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trong năm nay, và ông Lipsitch nói “không thể ước tính chính xác số người sẽ biểu hiện triệu chứng”.

Ira Longini, nhà sinh học thống kê và cố vấn của WHO, từng dự đoán 2/3 dân số thế giới sẽ nhiễm Covid-19 trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 11/3 cũng dự đoán 2/3 dân số nước này (khoảng 50 triệu dân) sẽ nhiễm virus.

Giáo sư Gabriel Leung, Chủ tịch khoa y tế cộng đồng tại Đại học Hong Kong, từng nói nếu ước tính mỗi ca bệnh lây thêm cho 2,5 người là chính xác, virus corona sẽ ảnh hưởng đến 60-80% dân số thế giới.

Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cảnh báo số ca Covid-19 ở Anh sẽ còn tăng, có thể ảnh hưởng tới 20% lực lượng lao động, nhưng đa số sẽ chỉ triệu chứng nhẹ và sẽ hồi phục nhanh.

'Miễn dịch bầy đàn' và chiến lược để chống COVID-19 - Ảnh 2.

Tiến sĩ Dale Fisher (phải) trong cuộc gặp với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tháng 3/2019. Ảnh: Twitter.

Lo ngại nước đông dân nhưng phát hiện ít ca bệnh

- Ông đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh ở những nơi nào? Điều gì làm ông chú ý nhất?

- Tôi chú ý tới bang Washington ở Mỹ, đặc biệt cụm lây nhiễm tại thành phố Seattle. Tỷ lệ tử vong đang tương đối cao, có thể do đang có nhiều ca nhiễm mà chúng ta chưa phát hiện ra, hoặc là có các ca bệnh tập trung ở viện dưỡng lão.

Có báo cáo cho rằng có sự đột biến nhỏ trong mã gen di truyền khi so sánh ca đầu tiên được phát hiện với các ca gần đây, cho thấy các ca này cách nhau 6 tuần. Đột biến này rất hiếm gặp mà lại xuất hiện tại bang Washington, cho thấy có thể đã có sự lây lan 6 tuần nay. Lại kèm theo tỷ lệ tử vong cao - vì vậy đây là nơi tôi theo dõi sát.

Tôi cũng chú ý tới châu Phi, với các ca nhiễm đầu tiên ở Nigeria và Indonesia. Tôi cũng để ý tới một số nước đông dân, mà tôi chưa tiện nêu tên. Cho đến nay, chúng ta thấy các nước có khả năng xét nghiệm đang phát hiện ra nhiều ca bệnh. Còn các nước ít điều kiện hơn thường có số ca nhiễm ít hơn, có những nơi khá bất thường so với dân số.

Những nước rất đông dân nhưng lại có ít ca nhiễm chắc chắn cần phải chú ý, có khả năng họ đang phát hiện thiếu các ca nhiễm.

- Ông lo ngại nếu phát hiện thiếu ca nhiễm virus corona, các nước có thể rơi vào tình trạng như Iran, khi số ca tử vong tăng đột ngột?

- Qua tình hình tại Iran, có thể thấy sự tham gia của cộng đồng trong việc chống dịch là rất quan trọng. Như ở Trung Quốc và Singapore, chính phủ có quan hệ chặt chẽ, hiệu quả với người dân, nhưng nhiều nước không có được điều đó (như Iran).

'Miễn dịch bầy đàn' và chiến lược để chống COVID-19 - Ảnh 3.

Nhân viên y tế thành phố Seattle, bang Washington chuẩn bị tới nhà một người nghi nhiễm virus corona chủng mới ngày 29/2. Ảnh: Reuters.

Chung sống với dịch

- Liệu thế giới còn có thể dập tắt được dịch bệnh?

- Với hơn 120.000 ca bệnh ở hơn 114 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính đến ngày 12/3) thì không, dịch bệnh này không thể ngăn chặn được nữa, mà chỉ có thể kiềm chế làm sao cho số ca nhiễm không tăng vọt. (Nếu số ca nhiễm tăng vọt), sẽ đè nặng hệ thống y tế, vượt quá ngưỡng “thiết kế”, không nơi nào “chịu” được.

Chẳng hạn, ở miền Bắc Italy, lần cuối tôi đọc thì có gần 200 bệnh nhân cần điều trị tích cực trong một vùng có 20 triệu người. Đó là 200 người cần giường bệnh điều trị tích cực trong ít nhất một tuần, hoặc hơn. 

Nếu bạn đi hỏi bất cứ bệnh viện nào là đang còn bao nhiêu giường điều trị đặc biệt, đa số sẽ nói là hết chỗ rồi, hay chỉ còn khá ít. Không nơi nào có nhiều vì họ thiết kế cho điều kiện bình thường.

Nếu số ca bệnh nặng tăng 10% trong thời gian dài, hệ thống có thể chịu được. Nhưng nếu số ca nặng đột ngột tăng 100%, tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng. Số nhân viên, số máy thở, đáp ứng được ôxy, điều kiện cách ly, cô lập đều phải tăng. Nếu khả năng điều trị tích cực không thể tăng kịp, sẽ có thêm bệnh nhân tử vong.

'Miễn dịch bầy đàn' và chiến lược để chống COVID-19 - Ảnh 4.

Một khu điều trị tích cực cách ly tại Vũ Hán vào cuối tháng 2. Bị quá tải, nhân viên y tế Vũ Hán đã phải tự mua đồ bảo hộ, kêu gọi bạn bè quyên góp. Ảnh: AP.

- Nếu không thể dập tắt, làm thế nào để “chung sống” khi dịch bệnh tiếp tục lây lan?

- Tất nhiên, chúng ta vẫn phải chiến đấu với dịch bệnh. Chúng ta muốn sao cho dịch bệnh lây lan chậm lại, cuối cùng khi đã lây lan đủ, có thể là khi 60% thế giới đã “tiếp xúc” với bệnh, thì sẽ trở thành những cụm lây nhiễm nhỏ lẻ (như các dịch bệnh trước đây).

Nhưng ngay lúc này, thế giới không thể để dịch bệnh lây lan “phi mã”.

- 60% của thế giới, như ông nói, sẽ là rất nhiều người “có bệnh”?

- Nhưng đó là cách mà bệnh truyền nhiễm lây lan: bạn vẫn có rủi ro nhiễm trừ khi bạn miễn dịch. Và một khi khoảng 60% số người xung quanh bạn “có bệnh”, thì lúc đó bạn sẽ an toàn hơn rất nhiều.

Virus sẽ không lây xa được nữa, vì một khi có người nhiễm bệnh, đa số người xung quanh sẽ không bị lây. Giống như nó đi vào “ngõ cụt” của “dây chuyền lây nhiễm”.

Nên nhớ “tiếp xúc” với bệnh ở đây có thể là qua tiêm phòng vắc-xin, làm bạn miễn dịch. Một khi mọi người chưa miễn dịch với bệnh, bệnh sẽ còn lây.

Đại học Harvard gần đây cũng nói có thể 40-70% thế giới sẽ nhiễm bệnh trong năm nay hoặc năm sau. Với tỷ lệ tử vong 2% như trung bình hiện nay, số ca tử vong sẽ nhiều. Nhưng chúng ta có thể cố giảm tốc độ lây lan.

'Miễn dịch bầy đàn' và chiến lược để chống COVID-19 - Ảnh 5.

Hàng trăm người xếp hàng mua khẩu trang ở Seoul ngày 3/3. Ảnh: AP.

- Ông có thực sự tin rằng khả năng đó có thể xảy ra?

- Tôi sẽ chưa thể an toàn trừ khi hầu hết người quanh tôi đã miễn dịch. Đó là quá trình dịch bệnh diễn ra. Đó là khái niệm “herd immunity” (miễn dịch cộng đồng hay miễn dịch bầy đàn), tức là khi đa số trong bầy đàn đã có bệnh, thì bầy đàn sẽ an toàn.

Khi chưa được như vậy, bệnh sẽ tiếp tục lan truyền, sẽ lặp lại như vậy mỗi mùa. Tôi nghĩ mọi chuyện thậm chí còn chưa khởi đầu.

- Kịch bản trên nghe vẫn rất khó tin?

- Đó là những gì tôi tin. Tôi không thấy nó có thể kết thúc bằng cách nào khác. Chắc chắn dịch bệnh sẽ không đột nhiên chìm xuống. Chắc chắn không quay lại loài dơi, một khi đã lây sang người! Tôi không thấy điểm kết thúc nào khác, ngoài việc lây truyền trên người cho tới khi có đủ “miễn dịch bầy đàn” thì mới dừng. 

Và “miễn dịch bầy đàn” bao gồm việc tiêm vắc-xin, nhưng (vắc-xin) có thể vẫn phải chờ tới năm sau.

Vì vậy mục tiêu không phải là ngăn chặn hoàn toàn lây nhiễm, mà là không để hệ thống y tế bị quá tải đến mức chúng ta không thể điều trị người bệnh vì có quá nhiều người bệnh.

'Miễn dịch bầy đàn' và chiến lược để chống COVID-19 - Ảnh 6.

Ông Fisher cho rằng virus corona sẽ tiếp tục lây cho tới khi đa số đã “có bệnh” qua lây nhiễm hay được tiêm vắc-xin, tức “miễn dịch bầy đàn”. Ảnh: Reuters.

Số ca nhiễm giảm, Trung Quốc sẽ lại “nhập khẩu” ca bệnh từ bên ngoài?

- Ông từng theo phái đoàn của WHO tới Trung Quốc cuối tháng 2. Từ cách mà dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc, ông có dự đoán gì về cách dịch bệnh sẽ diễn ra ở các ổ dịch như Italy, Hàn Quốc, hay các điểm nóng mới nổi như Đức, Pháp?

- Tôi tin rằng mọi nơi đều sẽ học được bài học của Trung Quốc. Có thể họ sẽ ra các biện pháp “cực độ” như vậy.

Ở các tâm dịch như Italy hay Hàn Quốc, có thể phải có phong tỏa, tức là lấy trực tiếp từ “cẩm nang” của Trung Quốc. Vì chúng ta biết rằng điều đó có tác dụng.

Với các ổ dịch nhỏ hơn, tôi muốn tin rằng họ có thể dùng “cẩm nang” của Singapore, nơi đã kiểm soát được sau khi có một số ca bệnh, là hãy hành động nhanh và triệt để, kiểm soát dịch bệnh trong thành phố. Cần phải có lãnh đạo mạnh mẽ, phối hợp tốt, để cộng đồng cùng tham gia. Tôi nghĩ thành phố nào cũng làm được điều này, tới chừng mực nhất định.

Theo cách nào đó, biết đâu có thể đoàn kết giữa cộng đồng và chính quyền, thậm chí giữa các quốc gia, và đó có thể là “tác dụng phụ tốt” của dịch bệnh.

'Miễn dịch bầy đàn' và chiến lược để chống COVID-19 - Ảnh 7.

Người đeo khẩu trang trên tàu điện tại sân bay thành phố Seattle, bang Washington. Nỗi lo về virus đã chuyển từ Trung Quốc sang phương Tây. Ảnh: AP.

- Dịch bệnh ở Trung Quốc đã qua đỉnh?

- Tôi tin chắc Trung Quốc đã học bài học từ Vũ Hán, và sẽ không đời nào để có một Vũ Hán thứ 2. Tôi nghĩ họ sẽ phải giảm bớt giới hạn đi lại, phải để nền kinh tế khởi động trở lại, mọi kiểm soát sẽ phải nới lỏng. Chắc chắn sẽ có thêm ca nhiễm.

Các nước sẽ gỡ bỏ lệnh cấm đi lại với Trung Quốc, và khi Trung Quốc quay trở lại là một phần của thế giới, sẽ lại có ca nhiễm “nhập khẩu” về đây - tương tự như các nước có ca bệnh đến từ Trung Quốc trước đây.

Thời điểm này, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc cực kỳ thấp, đặc biệt là bên ngoài tỉnh Hồ Bắc. Phải nói rằng nguy cơ nhiễm bệnh bên trong Trung Quốc đại lục là rất thấp.

Giới hạn đi lại sẽ được gỡ bỏ, mọi người sẽ lại di chuyển, sẽ lại có cụm lây nhiễm mới. Nhưng Trung Quốc sẽ vẫn làm theo mô hình của chính mình, với sự cẩn trọng cực độ, phát hiện sớm, điều tra quá trình tiếp xúc, cách ly, ngăn chặn.

- Xin chân thành cảm ơn ông.

Trọng Thuấn