Mẹo lập ngân sách chi tiêu cho gia đình thời COVID-19
Việc xây dựng kế hoạch ngân sách chi tiêu cho cả gia đình cần có sự tham gia và ủng hộ của các thành viên, có thể bạn cũng sẽ phải điều chỉnh thường xuyên nhưng đổi lại, bạn sẽ luôn nắm rõ số tiền hiện có, chi tiêu cho những gì.
Điều này được chứng minh là giúp ích rất nhiều để mỗi gia đình đảm bảo chất lượng cuộc sống, sinh hoạt bình thường ngay cả trong đại dịch.
Ngân sách chi tiêu cho gia đình là gì?
Theo Nerd Wallet, ngân sách gia đình là một kế hoạch chi tiêu, trong đó quản lý chính xác số tiền hiện có và các khoản chi cần thiết cho sinh hoạt bình thường, trong một khoảng thời gian nhất định (chẳng hạn như một tháng hoặc một năm).
Ví dụ, bạn có thể cân nhắc dựa trên tổng thu nhập hàng tháng và các chi phí cần thiết khác nhau, từ mua đồ ăn, tiền nhà, đầu tư, tiết kiệm và trả nợ.
Bà Angela Moore, nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận ở Orlando (Mỹ), cho biết: "Ngân sách của bạn về cơ bản là một công cụ để nâng cao năng lực tự quản lý tài chính cho bản thân. Nhiều người chỉ đơn giản là chi tiêu dựa trên số thu nhập họ kiếm được nhưng không hề ý thức về việc làm sao để cân đối". Tuy nhiên, một người trưởng thành nên biết cách phân bổ số tiền mình có sao cho hợp lý nhất có thể.
"Tất cả chúng ta đều có cơ hội để tạo ra sự giàu có cho bản thân và đảm bảo tự do tài chính, nhưng chúng ta phải có chiến lược cho điều đó", bà Moore khẳng định. Vì vậy, hãy lập ngân sách chi tiêu cho chính bạn và gia đình mình.
Cách lập ngân sách chi tiêu thông minh nhất
1. Bắt đầu ngân sách gia đình với các ước tính
Một gia đình có thể gồm vợ chồng, con cái đã trưởng thành đi làm hoặc đang đi học, ông bà đã lớn tuổi nhưng có lương hưu. Bước đầu tiên bạn cần làm sẽ là tạo ra sự minh bạch để tất cả mọi người đều hiểu được vì sao phải lập ngân sách, tình hình hiện tại là như thế nào. Chuyên gia tài chính gợi ý rằng bạn nên bắt đầu bằng việc kiểm tra thu nhập, tài chính của mọi người.
Sau đó, bạn có thể bắt đầu với các ước tính. Bạn cần ghi lại tất cả số tiền tiết kiệm mà gia đình mình hiện có rồi tính toán đến các khoản nợ (lãi suất là bao nhiêu, mỗi tháng thanh toán như thế nào, khi nào đến hạn trả). Bạn cũng cần cộng các chi phí định kỳ hàng tháng như hóa đơn tiền điện, tiền nước, internet và truyền hình cab.
Cuối cùng, bạn có thể chuyển sang ước tính phần còn lại để chia tiêu. Hãy thử chia nhỏ các chi phí hàng tháng thành số tiền bạn phải trả cho siêu thị, cửa hàng tạp hóa, gas, quần áo, v.v. Bà Moore nói rằng bạn có thể liệt kê những chi phí này riêng lẻ hoặc thành một nhóm. Hãy nhớ rằng, ở bước này thì bạn chỉ đang đưa ra những phỏng đoán dựa trên tính toán cơ bản, có cái nhìn tổng thể về mọi thứ và toàn bộ quy trình cũng sẽ chỉ tốn khoảng 15 phút.
2. Xác định cơ sở của các chi phí cần thiết
Hãy nghỉ ngơi một chút để tránh bị quá tải thông tin, rồi bạn có thể kiểm tra, liệt kê chính xác tổng số chi phí hàng tháng. Việc xác định các con số trong thực tế thường là một trải nghiệm "thức tỉnh" vì nhiều người sẽ không ngờ mình chi tiêu nhiều đến vậy.
Từ thời điểm này, bạn và gia đình có thể xác định một số cách để điều chỉnh tài chính, chi tiêu của mình. Bắt đầu từ các khoản nợ - trả những khoản lãi suất cao trước, sau đó, bạn cũng có thể hủy đăng ký những gói dịch vụ, chương trình mà gia đình chẳng mấy khi sử dụng để tránh mất thêm một khoản cố định mỗi tháng. Với những vật dụng mua về nhưng không dùng đến, hãy tránh sai lầm tương tự trong tương lai, cân nhắc bán lại để thu hồi một khoản tiền chẳng hạn.
Chuyên gia tài chính Moore nói rằng: "Hãy tìm ra những khoản chi mà bạn có thể giảm hoặc loại bỏ rồi chuyển các khoản tiền đó phù hợp hơn với mục tiêu ngân sách của mình".
Ít nhất, đến bước này thì bạn đã hiểu rõ hơn tiền của các thành viên trong gia đình mình đang đi đâu. Bạn cũng có một số liệu cơ bản về các khoản tiết kiệm, các khoản nợ và chi phí của mình. Điều này sẽ rất hữu ích để nhìn thấy sự thay đổi khi bạn bắt đầu lập ngân sách.
3. Lập ngân sách theo tỷ lệ chuẩn
Dĩ nhiên, để lập ngân sách thì bạn phải rõ ràng về số tiền các thành viên trong gia đình kiếm được và số tiền cần chi. Muốn lập ngân sách thực sự hiệu quả, bạn có thể thử theo tỷ lệ 50/30/20, phân chia thu nhập của bạn thành 3 khoản lớn như sau:
50% cho các nhu cầu, chẳng hạn như cửa hàng tạp hóa, nhà ở, tiện ích cơ bản, phương tiện đi lại, bảo hiểm, chăm sóc trẻ em và các khoản thanh toán nợ tối thiểu; 30% cho các nhu cầu, chẳng hạn như du lịch, quà tặng sinh nhật và ăn uống tại nhà hàng, giải trí, xem phim; cuối cùng là 20% dành cho tiết kiệm, cho quỹ khẩn cấp hoặc cho quỹ hưu trí và trả nợ.