Maybank Kim Eng: Chứng khoán 2017 sẽ xuất hiện nhiều cơ hội mới chưa từng có
Các tên tuổi lớn tạo cơ hội “có một không hai”
Giai đoạn Quý I/2017 sẽ là khoảng thời gian cao điểm của việc niêm yết mới hàng loạt các tên tuổi đình đám.
Xét đơn thuần về mặt điểm số, chỉ số có thể sẽ tăng nhờ ảnh hưởng nhất định từ nhóm cổ phiếu mới này. Dù vậy, ở bình diện rộng hơn, sẽ khó có thể kỳ vọng một sự bứt phá nhanh, ít nhất là trong nửa đầu quý I/2017.
Theo báo cáo chiến lược năm 2017 của CTCK Maybank Kim Eng (Maybank Kim Eng), nếu như thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2016 đã trôi qua khá “êm ả” thì 2017 được dự kiến sẽ chứng kiến nhiều “sóng và gió” hơn đáng kể. Cụm từ được phù hợp để nói về TTCK Việt Nam 2017 có thể gói gọn: “Cơ hội lớn hơn đi kèm rủi ro ở mức cao hơn”.
Xét ở chiều cơ hội, năm 2017 sẽ chứng kiến những cơ hội mới mà TTCK Việt Nam chưa từng có trong những năm trước đó.
Đó là sự đổ bộ ồ ạt của hàng loạt những tên tuổi mới, đại diện lớn hơn cho những ngành nghề then chốt trong nền kinh tế, và thậm chí là đại diện cho những ngành chưa từng có công ty nào niêm yết trên thi trường.
Sự sôi động được tạo ra vào cuối năm 2016 tại những “ông lớn” vừa niêm yết như: Bia Sài Gòn Sabeco (SAB), Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Bia Hà Nội (BHN), Đường Quảng Ngãi (QNS), Novaland (NVL),... được dự báo sẽ còn sôi động hơn rất nhiều khi ở năm 2017 sẽ có thêm hàng loạt những cái tên đình đám dự kiến được niêm yết lên sàn như: Vietjet, Vietnam Airline, Trường Hải, Petrolimex, .....
Có lẽ không cần giới thiệu quá nhiều về những công ty vừa nêu khi đây đều là những “ông lớn” thật sự trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay và sự góp mặt của hàng loạt hàng hóa mới, chất lượng cao sẽ tạo ra những cơ hội “có một không hai” trong năm 2017 tới đây.
Cơ hội cũng sẽ đến từ hoạt động thoái vốn tiếp tục của SCIC vốn được dự báo sẽ thúc đẩy nhanh hơn rất nhiều trong năm 2017.
Dù có một chút “nốt trầm” trong lần bán vốn gần nhất của SCIC tại Vinamilk, điều này chủ yếu đến từ yếu tố thời điểm và các rào cản kỹ thuật khiến việc đấu giá không thật sự thành công như mong đợi.
Ở góc độ “căn cơ” hơn, cơ hội lớn sẽ đến từ chính sự phát triển trong nội tại nền kinh tế Việt Nam.
Sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu của Việt Nam, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, tiêu dùng tăng cao,... đang tạo ra thêm những “phần bánh” hấp dẫn cho các nhóm ngành, các doanh nghiệp gắn chặt với các biến chuyển này.
Cơ hội sinh lợi từ việc đầu tư vào các công ty vừa nêu là vô cùng to lớn nhưng dĩ nhiên cần đi kèm với một “điều kiện đủ”, đó là khả năng hoạt động thật sự chuyên nghiệp, đạo đức quản trị ở mức cao.
....Và rủi ro cũng khó lường hơn
Cơ hội như đã nêu là rất nhiều, nhưng thị trường trong năm 2017 cũng sẽ đối mặt với mức độ rủi ro lớn hơn đáng kể so với năm 2016.
Rủi ro đầu tiên chính là “tính bất định” về kinh tế chính trị thế giới trong năm 2017.
Việc Hoa Kỳ lựa chọn Donald Trump làm tân tổng thống khiến mọi suy đoán về các quyết sách của Hoa Kỳ về kinh tế và chính trị đều trở nên khó đoán định hơn rất nhiều.
Xét đơn thuần về kinh tế, chủ trương bảo hộ mạnh hơn nền kinh tế nội địa Hoa Kỳ, phản đối các hiệp định tự do thương mại và kêu gọi dòng vốn quay trở lại Hoa Kỳ rõ ràng sẽ tạo ra rủi ro đáng kể cho nhóm thị trường các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam).
Việc thực thi chính sách nâng dần lãi suất của cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng có thể tạo ra những xáo trộn đáng kể cho thị trường toàn cầu.
Thông báo gần nhất trong tháng 12 của FED đã cho thấy dự tính của tổ chức này sẽ có đến 3 lần tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2017 và điều này được cho có phần “vượt trên kỳ vọng” của thị trường.
Rủi ro về sự chuyển dịch của dòng vốn trở lại Hoa Kỳ là một trong các vấn đề đáng quan ngại nhất khi nói về nhóm các thị trường mới nổi trong năm 2017.
Với riêng nền kinh tế Việt Nam, việc cần duy trì một mức tăng trưởng kế hoạch khá thách thức (GDP +6,7%) trong bối cảnh ngân sách bị hạn chế do nợ công bị giới hạn mức trần và các nghĩa vụ trả nợ ở mức cao hơn trong năm 2017.
Chính sách tài khóa do đó bị hạn chế đáng kể vai trò trong năm 2017 và sẽ phụ thuộc lớn vào tiến độ cổ phần hóa thêm các doanh nghiệp nhà nước cũng như bán giảm phần vốn tại các công ty đang niêm yết.
Với chính sách tiền tệ, dự địa cho việc mở rộng cũng không còn quá “xông xênh” như các năm trước đó khi mặt bằng lãi suất gần như đã tạo đáy trong năm 2016 và giá cả hàng hóa nguyên nhiên vật liệu đang có khả năng tăng mạnh hơn trong năm 2017, qua đó gây sức ép nhất định lên vấn đề lạm phát và có thể hạn chế một phần mức độ mở rộng của chính sách tiền tệ.
Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017 là 6,7%. Tình hình vĩ mô năm 2017 sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, tăng trưởng GDP sẽ duy trì khoảng 6,5%-6,7%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/