Bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: 12 hay 14?
Bên cạnh đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh của 67 ngành nghề, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đăng tải dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Một trong các dự thảo luật được sửa đổi tại đây là Luật Đầu tư.
Đáng chú ý là không chỉ một số quy định của luật này được sửa đổi bổ sung mà cả phụ lục 4 về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng được thay thế.
Tại đây, Chính phủ đề nghị bãi bỏ 67 ngành nghề, sửa đổi chuẩn hoá tên gọi của một số ngành nghề khác và bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới.
Theo thứ tự ở phụ lục kèm theo dự thảo được công bố nói trên, thì có 14 ngành nghề được đề nghị bổ sung.
1. Kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
2. Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư.
3. Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hoả táng.
4. Kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
5. Kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim.
6. Hoạt động tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
7. Hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
8. Dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn.
9. Kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.
10. Kiểm toán năng lượng.
11. Hoạt động tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
12. Hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
13. Kinh doanh đóng mới, cải hoán tàu cá.
14. Kinh doanh dịch vụ đăng ký và duy trì tên miền Internet.
Đáng chú ý, ngành nghề thứ 6 giống y hệt ngành nghề thứ 11, và ngành nghề thứ 7 lại không khác ngành nghề thứ 12 một chữ nào.
Cách đây ít ngày, sau hội thảo về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh được tổ chức chiều 26/8 tại Tp.HCM, một số tờ báo đã đưa tin có 14 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được bổ sung.
Vậy, hai ngành nghề nào còn thiếu, khi trong danh mục có sự trùng lặp như đã nêu trên?
Hai là con số rất nhỏ, nhưng nhầm lẫn hoặc bỏ sót (có thể) hai ngành nghề kinh doanh có điều kiện lại là chuyện không nhỏ.
Bởi, thực tế từ khi xây dựng Luật Đầu tư 2014 đến nay cho thấy, một ngành nghề kinh doanh có điều kiện được bãi bỏ là kết quả từ tâm huyết của nhiều người, qua nhiều tranh luận đôi khi rất căng thẳng, thậm chí là đấu trí hết sức cam go.
Thêm một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có thể còn đau đầu hơn cả việc bãi bỏ, bởi kéo theo nó là những lo lắng, không chỉ cúa các doanh nghiệp.
Nên, 12 hay 14 là câu hỏi cần sớm có câu trả lời chính xác.