|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những lĩnh vực có mức lương 'hấp dẫn' trong năm 2023

21:03 | 29/01/2023
Chia sẻ
Mức lương của người lao động trong năm 2023 sẽ có sự khác biệt dựa trên nhiều yếu tố như lĩnh vực, vị trí địa lý, kinh nghiệm, phòng ban, cấp bậc,...

Vừa qua, Navigos Group đã công bố báo cáo Khảo sát lương năm 2023: Kỳ vọng lương, thưởng, phúc lợi người lao động. Báo cáo được tổng hợp từ cuộc khảo sát với 4.170 ứng viên.

Thông tin trong báo cáo thể hiện mức lương cho một vị trí làm việc cũng được tham khảo từ nhà tuyển dụng là khách hàng của Navigos Group. Navigos lưu ý rằng các số liệu được hiển thị trong cuộc khảo sát này là lương cơ bản, không bao gồm tiền thưởng hoặc các phúc lợi khác.

Báo cáo của Navigos Group chỉ ra rằng mức lương cho người lao động có sự khác nhau, dựa trên nhiều yếu tố như vị trí địa lý, kinh nghiệm, cấp bậc,…

Một số lĩnh vực sẽ có mức lương cao hơn các ngành khác trong năm 2023, dựa trên nhiều yếu tố. (Ảnh: Navigos).

Chẳng hạn, với phòng ban quản lý dự án trong nhóm ngành xây dựng & bất động sản, một người chưa có kinh nghiệm sẽ nhận mức lương dao động trong khoảng 650 USD – 1.500 USD ở Hà Nội và trong khoảng 800 USD – 1.000 USD tại TP HCM.

Cùng phòng ban quản lý dự án trong nhóm ngành xây dựng & bất động sản, những người đảm nhận chức vụ giám đốc/trưởng bộ phận sẽ có cơ hội nhận mức lương dao động trong khoảng 3.000 USD – 8.000 USD tại Hà Nội, trong khi tại TP HCM sẽ dao động trong ngưỡng 3.000 USD – 6.000 USD.

Với lĩnh vực công nghệ thông tin & viễn thông, một trong những lĩnh vực “hot” nhất trong vài năm gần đây, mức lương cho người lao động cũng có sự khác biệt dựa trên nhiều yếu tố.

Ví dụ, với phòng ban phát triển phần mềm, những nhân viên là sinh viên mới ra trường/dưới hai năm kinh nghiệm, mức lương cơ bản sẽ dao động trong khoảng 400 USD – 1.000 USD tại Hà Nội và trong khoảng 700 USD – 1.200 USD tại TP HCM.

Trong khi đó, những người làm ở vị trí giám đốc/trưởng bộ phận phòng ban phát triển phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin & viễn thông sẽ có cơ hội nhận mức lương trong ngưỡng 3.000 USD – 10.000 USD tại Hà Nội và 4.000 – 1.200 USD tại TP HCM.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, ở phòng ban được nhiều người quan tâm là ngân hàng giao dịch, những người chưa có kinh nghiệm/chưa là quản lý có cơ hội nhận mức lương dao động trong khaorng 800 USD – 1.200 USD tại Hà Nội và 1.000 USD – 2.000 USD tại TP HCM.

Ngược lại, với những người giữ chức vụ giám đốc/trưởng bộ phận phòng ngân hàng giao dịch, họ có cơ hội nhận mức lương cao hơn, trong khoảng 4.000 USD – 15.000 USD tại Hà Nội và 5.000 USD – 15.000 USD tại TP HCM.

Ở lĩnh vực giáo dục, giáo viên là những người có kinh nghiệm/chưa là quản lý có khả năng nhận mức lương từ 450 USD đến 1.500 USD tại Hà Nội và từ 500 USD đến 1.500 USD tại TP HCM.

Với lĩnh vực chứng khoán, ở phòng ban môi giới/kinh doanh, những người chưa có kinh nghiệm/chưa là quản lý sẽ có cơ hội nhận mức lương từ 500 USD đến 1.000 USD tại Hà Nội và từ 500 USD đến 1.000 USD tại TP HCM.

Mặt khác, những người đảm nhận chức vụ giám đốc/trưởng bộ phận phòng ban môi giới/kinh doanh của lĩnh vực chứng khoán có thể nhận mức lương dao động trong ngưỡng 2.500 USD – 8.000 USD tại Hà Nội và trong khoảng 2.500 USD – 7.000 USD tại TP HCM.

Bối cảnh chung về chế độ lương thưởng và phúc lợi của người lao động

Theo báo cáo của Navigos, trong năm 2022, khi được hỏi về yếu tố gắn bó với công ty, "Môi trường làm việc" chính là sự lựa chọn chiếm ưu thế với tỷ lệ là 11.21%, theo sau là "Lương" với 10.55%, "Văn hóa doanh nghiệp" với 9.56%, "Sự ổn định của hoạt động kinh doanh" với 8.05%, "Cơ chế làm việc linh hoạt" với 7.27%,...

Có thể thấy, người lao động ngày nay quan tâm rất nhiều đến những yếu tố về môi trường và văn hóa doanh nghiệp. Những yếu tố vật chất khác như lương, thưởng,... không đóng vai trò tiên quyết ảnh hưởng đến quyết định gắn bó của một nhân viên với công ty hiện tại.

Cũng trong năm 2022, mức lương tăng "từ 5% đến dưới 10%" là sự lựa chọn chiếm ưu thế với tỷ lệ là 26.89%. Mức lương "không đổi" đứng thứ hai với kết quả bình chọn khá sát sao là 23.29%. Theo sau là "ít hơn 5%" và “từ 10% đến dưới 15%" với bình chọn lần lượt là 15.30% và 11.66%.

Lý giải cho điều này, theo Navigos, trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 nên chưa thể áp dụng chính sách tăng lương hấp dẫn hơn cho nhân viên của mình.

Xét về những yếu tố mà người lao động sẽ cân nhắc khi chuyển việc, "Lương" và "Môi trường làm việc" tiếp tục là hai sự lựa chọn chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 13.56% và 11.27%. Góp mặt trong nhóm 5 lựa chọn cao nhất còn có yếu tố "Văn hóa doanh nghiệp" với 8.14%, "Sự thăng tiến trong công việc" với 7.33%, và "Cơ chế thưởng" với 6.09%.

Có thể thấy, yếu tố về “Môi trường làm việc” và “Văn hóa doanh nghiệp” ngày càng được người lao động quan tâm. Bởi đây được xem là những yếu tố có thể góp phần cải thiện hiệu suất làm việc, cũng như mang tính chất quyết định đến sự gắn bó lâu dài của người lao động tại doanh nghiệp. 

Anh Nguyễn