|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

May mặc Myanmar gặp nguy khi EU xem xét trừng phạt thương mại

20:25 | 11/10/2018
Chia sẻ
Nền kinh tế Myanmar, đặc biệt là ngành công nghiệp may mặc của nước này, đang đối mặt với tình thế nguy ngập khi Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc áp đặt đòn trừng phạt thương mại để gây sức ép với Myanmar về vấn đề trục xuất người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở bang Rakhine.
may mac myanmar gap nguy khi eu xem xet trung phat thuong mai
Các công nhân làm việc tại công ty sản xuất hàng may mặc Kaung Aunt ở thành phố Yangon, Myanmar. Ảnh: Bloomberg

EU xem xét áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Myanmar

Hôm 5-10, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström cho biết EU đang cân nhắc tái áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Myanmar vì cho rằng nước này vi phạm nhân quyền khi trục xuất người Hồi giáo Rohingya sang Bangladesh.

Quan hệ giữa EU và Myanmar ấm lên khi nước này chuyển tiếp chính quyền quân sự sang dân sự. Năm 2013, EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Myanmar và nối lại chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập dành cho nước này, cho phép hàng hóa Myanmar được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% khi bán sang EU. Chế độ ưu đãi thuế quan này đã thúc đẩy làn sóng đầu tư và giúp thiết lập một trung tâm sản xuất hàng hóa cho thị trường EU. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc đóng băng chế độ thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hóa Myanmar có thể được EU đưa ra trong vài tháng tới.

Brussels sẽ rất cẩn trọng trong các quyết định trừng phạt vì chúng có thể gây xói mòn thêm các mối quan hệ với Myanmar hoặc gây tổn thương cho các điều kiện kinh tế của người dân nước này. Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström cho biết EU sẽ gửi một phái bộ xác minh sự thật đến Myanmar để tìm hiểu về các cáo buộc vi phạm nhân quyền liên quan đến người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Bà cho biết đây là bước đi đầu tiên có thể dẫn đến quyết định rút lại chế độ ưu đãi thuế quan cho hầu hết hàng hóa của Myanmar.

May mặc có thể bị tổn thương lớn

Khi chi phí lao động ở Trung Quốc ngày càng tăng, các nhà đầu tư từ các nước Đông Á đã ồ ạt đến Myanmar xây dựng nhà máy để tận dụng nguồn nhân công rẻ cũng như các ưu đãi thương mại để bán hàng hóa trực tiếp sang EU.

EU nhanh chóng vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Myanmar. EU mua đến 47% hàng may mặc được sản xuất tại nước này, theo Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Myanmar. Nhờ thị trường châu Âu, ngành công nghiệp may mặc của Myanmar tăng trưởng ở mức hai con số kể từ năm 2013 và đang sử dụng 550.000 lao động.

Myanmar nổi lên như một trung tâm sản xuất gia công cho các thương hiệu thời trang và giày dép châu Âu như H&M (Thụy Điển), Adidas (Đức). Chẳng hạn, hãng thời trang H&M đang gia công sản xuất ở hơn 30 nhà máy tại Myanmar.

Myit Soe, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Myanmar, cho biết việc gỡ bỏ quy chế ưu đãi thuế quan sẽ gây tổn thương lớn cho ngành công nghiệp may mặc. “Nếu EU đưa ra quyết định gỡ bỏ thuế ưu đãi nhằm vào ngành may mặc Myanmar, 300.000 công nhân nước này sẽ mất việc”, ông Myit Soe nói.

Các nhà máy may mặc ở Myanmar có thể di dời dây chuyền sản xuất sang Bangladesh, nước đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của EU giống như Myanmar. Chuyên gia tư vấn độc lập Jared Bissinger cho biết quyết định rút lại các ưu đãi thương mại sẽ khiến các nhà tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, hạn chế đầu tư vào Myanmar.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa EU và Myanmar đạt gần 2,1 tỉ euro vào năm ngoái, trong đó, hàng may mặc chiếm đến 72% trong 1,5 tỉ euro giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nước này sang thị trường EU.

Một số nguồn tin cho biết, EU có thể chỉ đóng băng chế độ ưu đãi thuế 0% đối với một số ngành hàng nhất định của Myanmar và có thể loại trừ ngành may mặc. Quy trình để EU áp đặt biện pháp trừng phạt đòi hỏi trải qua nhiều cuộc tham vấn giữa các nước thành viên EU và ở nghị viện châu Âu với mục đích thay đổi chính sách của Myanmar đối với người Hồi giáo Rohingya.

Một nước thành viên EU đang muốn trừng phạt thêm các quan chức hoặc các công ty Myanmar bằng các lệnh đóng băng tài sản hoặc lệnh cấm nhập cảnh vào nước của họ.

EU đã không trừng phạt các lãnh đạo quân đội cấp cao cũng như các nhà lãnh đạo dân sự của Myanmar về vấn đề người Hồi giáo Rohingya vì lo ngại các động thái cứng rắn như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến tiến trình cải cách dân chủ của Myanmar và đẩy nước này xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Xem thêm

Chánh Tài

Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
Thị tường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong 2 ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.