May mặc chật vật thoát khỏi 'thân phận' gia công
Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đang đau đầu với tình trạng công nhân chủ động nghỉ việc, nhảy việc, hoặc bị lôi kéo bởi các doanh nghiệp mới với đồng lương được trả cao hơn.Ảnh: Quốc Hùng
Công nghệ chưa thể thay người lao động
Còn nhớ ba năm trước, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra một dự báo “giật mình” khi cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến khoảng 85% lao động dệt may tại Việt Nam, tức khoảng 1,7 triệu lao động dệt may nói riêng và khoảng 3 triệu lao động trong ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày nói chung, có nguy cơ bị mất việc.
Nghe thông tin này, tại các hội thảo, một số doanh nghiệp ngành may mặc khi đó cũng tỏ ra lo ngại giùm cho người lao động khi công nghệ tự động, robot phát triển mạnh, buộc họ phải sa thải lượng lớn công nhân.
Tuy nhiên, hiện tại diễn biến vẫn chưa như dự báo của ILO, mà ngược lại, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đang đau đầu với tình trạng công nhân chủ động nghỉ việc, nhảy việc, hoặc bị lôi kéo bởi các doanh nghiệp mới với đồng lương được trả cao hơn.
Câu chuyện nằm ở chỗ, sự dịch chuyển đơn hàng dệt may từ Trung Quốc và các nước vào Việt Nam ngày càng tăng đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, nhưng đồng thời cũng gây ra tình trạng khan hiếm lao động trầm trọng.
Mặt khác, làn sóng đầu tư nước ngoài gia tăng vào các ngành sản xuất nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng với sự chuyển dịch do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung càng tạo áp lực đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cũng như tình trạng giành giật người lao động giữa các doanh nghiệp.
Sự phát triển mạnh mẽ các nhà máy chế biến thực phẩm, điện tử, viễn thông và các nhà máy sản xuất linh kiện cho các ngành này... đang gây khó cho các doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ vốn sử dụng nhiều lao động.
Các nhà máy mới của doanh nghiệp nước ngoài “hút” người lao động bằng tiền lương trả cao hơn, dẫn đến tình trạng công nhân nhảy việc ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh rất khó tuyển lao động hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp dệt may cần đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại, công nghệ tự động để tối ưu hóa sản xuất cũng như giảm lượng nhân công.
Tuy nhiên, sự nhận diện tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 với ngành dệt may được nêu ra từ ba năm trước với khả năng 85% người lao động của ngành sẽ mất việc đến giờ là chưa xảy ra, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Nhận định này của ông Trường dựa trên một nghiên cứu đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp đối với ngành dệt may Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030 của Bộ Khoa học và Công nghệ mà Vinatex là đơn vị thực hiện.
Nhóm thực hiện đề tài cấp quốc gia này còn có 3 đơn vị khác gồm trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, Viện Nghiên cứu dệt may, Viện Kinh tế và Quản lý (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã thực hiện khảo sát trên 100 doanh nghiệp, và tham quan, tìm hiểu tại các quốc gia hàng đầu về công nghệ trong ngành dệt may của thế giới như Đức, Thụy Sỹ, Trung Quốc...
Theo ông Trường, hiện máy móc, tự động hóa mới chỉ thực hiện được ở ngành sợi, dệt, nhuộm, còn ngành may vẫn phải sử dụng nhiều lao động; có những sản phẩm như veston, áo jacket không thể thực hiện hoàn toàn bằng máy móc.
Một số chuyên gia cũng nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không làm giảm số lao động đi, mà chỉ mang đến những cơ hội công việc mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân lực vận hành có qua đào tạo nhiều hơn.
Do đó, ngành may Việt Nam vẫn đang trong bối cảnh nguồn lao động khan hiếm và chi phí lao động không còn thấp so với các nước cạnh tranh trong ngành như Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ...
Tham gia sâu hơn chuỗi giá trị
Đứng trước thực tế nhân công ngày càng khó tuyển và tiền lương phải trả tăng cao, trong khi thay thế bằng thiết bị - công nghệ tự động cũng không xong, các chuyên gia một lần nữa cho rằng doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất, không thể cứ mãi làm gia công mang về phần giá trị rất thấp.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm ngoái trên 36 tỉ đô la Mỹ và mục tiêu cho cả năm nay là khoảng 40 tỉ đô la. Tuy nhiên, nguồn lợi thu về được đánh giá là khá thấp do vẫn thuần gia công.
Từ chỗ ngành chưa thể thoát cảnh gia công, kéo theo lĩnh vực sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước vốn đã non yếu cũng rơi vào cảnh khó khăn, khi không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu hoặc chen chân vào cung cấp cho các doanh nghiệp FDI.
Chẳng hạn, nhu cầu sợi trên 1,4 triệu tấn/năm nhưng 90% là nhập khẩu; nguồn vải phải nhập khẩu tới 80%, khiến tỷ lệ giá trị gia tăng của may xuất khẩu đạt thấp.
Theo các chuyên gia, muốn thoát được phận gia công, tạo được giá trị gia tăng cao hơn, doanh nghiệp phải chủ động về linh phụ kiện, tổ chức được khâu thiết kế, đẩy mạnh quảng bá và quan trọng là tổ chức hệ thống phân phối toàn cầu.
Đây là giải pháp đã được nhắc đến nhiều lần nhưng đến nay những thách thức này vẫn chưa được giải quyết, doanh nghiệp vẫn gia công và đang nằm đáy trong chuỗi giá trị toàn cầu. Giới phân tích cho rằng những lợi thế từ hội nhập sẽ không còn ý nghĩa nếu như không có những bước tiến đột phá.
Trên thực tế, trong những năm qua, ngành dệt may đã nhận thức rõ muốn phát triển bền vững và tăng phần giá trị thì phải chuyển đổi phương thức sản xuất từ gia công (CMT) sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự chủ từ khâu thiết kế, sản xuất đến bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng).
Một vài doanh nghiệp quy mô lớn bước đầu đạt được mục tiêu chuyển đổi, nhưng con số này còn rất nhỏ. ODM hay OBM hiện vượt xa năng lực của đa số doanh nghiệp, vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu về mặt quản trị lẫn vốn đầu tư công nghệ, máy móc.
Điểm hạn chế nữa là tính liên kết kém giữa các doanh nghiệp, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau. Đơn cử, để tạo thành chuỗi giá trị thì doanh nghiệp phải liên kết theo chiều dọc, tức là tập hợp nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu của ngành để cung cấp cho nhà sản xuất.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại liên kết theo chiều ngang, tập hợp các doanh nghiệp sản xuất cùng một mặt hàng, dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau, như lôi kéo lao động, cạnh tranh về giá để lấy khách hàng của nhau.
Theo các hội viên của Vitas, hiện nay các khách hàng đặt may gia công chỉ định các nguyên phụ liệu chính, với các phụ liệu còn lại các công ty may gia công được quyền lựa chọn cũng như mua trên thị trường nội địa.
Như vậy, xu hướng đặt hàng may mặc của các nước đang có những bước chuyển mới, từ thuần gia công sang một phần tự chủ nguyên liệu hoặc hình thức FOB cho các công ty may mặc tại Việt Nam. Đây được xem là cơ hội và cũng là thách thức cho ngành dệt may thoát cảnh thuần gia công.
Về phía doanh nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn lên trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, theo các chuyên gia, họ phải đầu tư vào máy móc thiết bị để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tiếp thị, đảm nhận được các khâu có giá trị gia tăng cao từ xây dựng thương hiệu, thiết kế, đến tự chủ về nguyên liệu và bán thành phẩm.