Grab mua 50.000 xe điện BYD, tài xế tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ tài chính
Theo Nikkei, Grab Holdings sẽ đưa vào sử dụng tới 50.000 xe điện BYD (Trung Quốc) tại Đông Nam Á. Đây là một phần trong nỗ lực tăng số lượng xe điện hoạt động trên các tuyến đường trong khu vực.
Theo thỏa thuận hợp tác mới, các tài xế và đối tác cung cấp xe cho Grab, bao gồm cả các công ty cho thuê xe, sẽ được tiếp cận với xe điện BYD với mức giá cạnh tranh. Xe còn được hỗ trợ bảo hành mở rộng cho pin. Tài xế có thể chọn thuê xe từ đối tác của Grab hoặc tham gia chương trình hỗ trợ tài chính để mua xe.
Thỏa thuận này áp dụng tại 6 quốc gia nơi Grab đang hoạt động, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các mẫu xe BYD tham gia gồm minivan 7 chỗ DENZA D9, SUV ATTO3, sedan SEAL và M6.
Ông Chuk Kim, Giám đốc phát triển kinh doanh của Grab, cho biết việc hợp tác này sẽ giúp giảm các rào cản tài chính khi chuyển sang xe điện. Về lâu dài, điều này còn giúp các tài xế tiết kiệm chi phí nhiên liệu và tăng thêm lợi ích kinh tế.
Ứng dụng Grab cũng sẽ được tích hợp trực tiếp trên hệ thống điều khiển của xe BYD. Điều này cho phép tài xế dễ dàng xem thông tin đặt chỗ, chỉ đường và tin nhắn trên màn hình lớn, thay vì phải sử dụng điện thoại.
Ngoài ra, dữ liệu cảm biến và thông tin từ xe BYD sẽ được kết nối trực tiếp với nền tảng của Grab. Điều này cung cấp thông tin thời gian thực về cách lái xe và thói quen của tài xế.
Grab cho biết, với dữ liệu như tín hiệu gạt mưa và tốc độ di chuyển được tích hợp vào nền tảng của mình, công ty có thể phân tích nhanh và chính xác hơn các yếu tố bên ngoài như thời tiết và giao thông. Những dữ liệu này sẽ giúp hướng dẫn tài xế đến những khu vực có nhu cầu gọi xe cao hơn.
“BYD là nhà sản xuất xe năng lượng mới hàng đầu thế giới. Chúng tôi sẽ tích hợp công nghệ của mình với Grab một cách tối ưu nhất”, ông Liu Xueliang, Tổng giám đốc kinh doanh ô tô khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BYD, chia sẻ. “Chúng tôi rất mong được hợp tác để mang đến trải nghiệm khác biệt và vượt trội cho tài xế và người dùng của Grab”.
Dịch vụ gọi xe tại Đông Nam Á đang chuyển đổi sang các hình thức di chuyển thân thiện với môi trường hơn, với mục tiêu tăng cường sử dụng xe điện. Grab cam kết thay thế toàn bộ đội xe tại Singapore bằng phương tiện phát thải thấp vào năm 2030, nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2040.
Tại Indonesia, đối thủ của Grab là Gojek đặt mục tiêu thay thế toàn bộ xe hai bánh bằng xe điện vào năm 2030. Ở Việt Nam, GSM - công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đã triển khai dịch vụ taxi điện tại Jakarta (Indonesia), sau khi ra mắt tại thị trường trong nước và Lào.