Mặt trái ngành fintech nhìn từ các đêm diễn của Blackpink, Coldplay
Theo SCMP, cuộc cách mạng kỹ thuật số đi cùng với làn sóng bùng nổ của dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) ở Indonesia đã cho phép người dân quốc gia vạn đảo dễ dàng tiếp cận các khoản hỗ trợ tài chính. Đổi lại, mặt trái của xu hướng này là sự mất kiểm soát, chi tiêu quá mức, dẫn tới khối nợ cá nhân ngày càng phình to hơn.
Hồi tháng 11 năm ngoái, khoảng 70.000 người đã xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để mua vé xem đêm diễn Born Pink tại Jakarta (diễn ra vào tháng 3/2023). Trong khi đó, nhóm nhạc Coldplay khiến không ít người hâm mộ Đông Nam Á nức lòng khi tour diễn vòng quanh thế giới của nhóm sẽ ghé thăm những thành phố trong khu vực như Bangkok, Singapore, Jakarta, Kuala Lumpur và Bulacan.
Đối với những người yêu âm nhạc ở Indonesia, chắc chắn đây là thời điểm tuyệt vời để thưởng thức âm nhạc quốc tế, không chỉ vì Blackpink và Coldplay đang dừng chân tại quốc gia này. Đêm diễn của Coldplay tại Jakarta vào tháng 11 này đã được bán sạch vé.
Báo cáo của MUC Consulting cho thấy sự gia tăng của các sự kiện hòa nhạc trong những tháng gần đây đã giúp tăng doanh thu từ thuế trong lĩnh vực giải trí ở địa phương. Trong tháng 1 và tháng 2, những người đi xem hòa nhạc đã tạo ra doanh thu 28.850 tỷ rupiah (1,9 tỷ USD).
Dù những con số này có thể mang màu sắc tích cực, nhưng một bài viết trên Bloomberg đã tiết lộ cách người hâm mộ sử dụng các dịch vụ tài chính để gặp được thần tượng, điều khiến cơ quan quản lý tài chính của Indonesia phải quan tâm.
Cơ quan Dịch vụ Tài chính đã cảnh báo người dân Indonesia tránh xa các dịch vụ “mua trước, trả tiền sau" (Buy now, pay later - BNPL) chỉ để mua vé xem hòa nhạc. Theo Bloomberg, dư nợ cho vay thông qua các nền tảng kỹ thuật số của Indonesia đạt tổng cộng 51.500 tỷ rupiah vào tháng 5/2023, tăng 28% so với chỉ một năm trước.
Cơ quan quản lý cũng cảnh báo về việc bị lừa đảo bởi các ứng dụng cho vay giả mạo. Các báo cáo chỉ ra rằng nhiều ứng dụng cho vay nặng lãi đang bùng nổ sau đại dịch COVID-19, chuộc lợi từ người dân thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Sự gia tăng của các ứng dụng cho vay kỹ thuật số và công nghệ tài chính đã giúp những người thuộc nhóm thu nhập thấp dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận các khoản vay. Tuy vậy, cũng giống như hai mặt của đồng xu, các dịch vụ cho vay trực tuyến cũng có mặt trái.
Theo đó, khả năng tiếp cận khoản vay nhanh chóng có thể thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng và chi tiêu liều lĩnh hơn - một viễn cảnh đầy rủi ro ở một quốc gia có đông dân số trẻ. Hơn một nửa trong số 270 triệu dân của Indonesia là những người trong độ tuổi từ 18 đến 39.
Ngoài ra, vấn đề ở đây không chỉ là việc những người trẻ tuổi có thể bị cám dỗ tiêu xài hoang phí. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng là nguyên nhân sâu xa.
Tính đến nay, ước tính có khoảng 90 triệu người ở Indonesia vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng và không có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng truyền thống.
Phục vụ nhóm dân số không sử dụng dịch vụ ngân hàng này là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Đồng thời, việc tư vấn cho thế hệ trẻ am hiểu công nghệ đang ngày càng phải đối mặt với những rủi ro từ việc dịch vụ fintech đang nổi lên như một nhu cầu thiết yếu.
Giống như nhiều nền kinh tế châu Á, Indonesia hiện đang đối mặt những thay đổi nhanh chóng do tốc độ tăng trưởng nóng của thương mại điện tử. Indonesia là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 11 thế giới với doanh thu dự đoán hơn 44,8 tỷ USD trong năm nay, vượt qua Brazil.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, sự phát triển của thương mại điện tử ở Indonesia có thể được giải thích bằng việc dân số ở tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng với gần 52 triệu người. Do đó, những người Indonesia trẻ tuổi khác với thế hệ cha mẹ và ông bà của họ ở một khía cạnh dễ thấy: Họ có thu nhập tốt hơn hơn và am hiểu công nghệ hơn.