Mất bao lâu để cổ phiếu đầu cơ và họ FLC hấp thụ hết lượng dư bán sàn?
Trong tuần giao dịch 14 - 17/1, áp lực bán tăng mạnh sau các thông tin liên quan đến Chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC bán 74,8 triệu cổ phiếu không công bố thông tin và Tân Hoàng Minh bỏ cọc mua đất Thủ thiêm.
Tuy nhiên, đà rút vốn đã được "hãm lại" phần nào trong phiên cuối tuần khi nhóm bất động sản có phiên giao dịch tăng sôi động, nhiều cổ phiếu giảm sàn phiên trước đó đã có thanh khoản và thoát mức giá sàn, trong đó phải kể đến các mã DIG, CEO, HQC, SCR, ITA.
Áp lực bán (đo bằng khối lượng đặt bán - khối lượng đặt mua) đã giảm mạnh vào phiên thứ Sáu và lực bán sàn chỉ còn tập trung vào 4 cổ phiếu họ FLC như AMD, FLC, HAI, ROS và cổ phiếu liên quan đến Tân Hoàng Minh như CII.
Cùng với đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, tự doanh cùng khối ngoại đã trở lại gom cổ phiếu bât động sản sau đợt bán ròng cho thấy những kỳ vọng nhóm cổ phiếu địa ốc đã được chiết khấu về vùng hợp lý và có thể lấy lại đà tăng trong thời gian tới.
Thống kê của FiinTrade cho thấy Top 10 cổ phiếu dư bán lớn nhất trên thị trường chiếm 78% tổng dư cung, trong đó 4 cổ phiếu họ FLC trên sàn HOSE chiếm 71% tổng lượng dư bán. Tất cả các cổ phiếu họ FLC đều tăng trên 100% trong vòng 1 năm dù đã giảm mạnh trong tuần qua.
Những cổ phiếu này có P/E cao hơn thị trường chung rất nhiều và có yếu tố đầu cơ giá do mức tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp mức tăng trưởng về giá. Tuy nhiên, về mức độ nợ thì ngoài CII có mức nợ trên vốn chủ sở hữu hơn 2 lần, các cổ phiếu khác có mức vay nợ trung bình hoặc thấp.
Mất bao lâu để hấp thụ hết lượng dư bán sàn?
Để ước lượng thời gian hấp thụ hết số cổ phiếu dư bán sàn phiên cuối tuần, ta lấy số dư bán sàn chia cho khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên. Kết quả là ngoài HQC và HNG có dư cung được hấp thụ dễ dàng trong vòng 1 phiên, 6 cổ phiếu họ FLC và CII cần 2 đến 7 phiên để tiêu thụ được mức dư bán ngày 14/1.
Bên cạnh đó, FiinTrade cũng dự báo dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa khi mùa công bố kết quả kinh doanh đang đến gần, dòng tiền được kỳ vọng sẽ chú ý đến những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý IV/2021 tốt và triển vọng tăng trưởng 2022 tiếp tục ở mức cao.
Về những biến động trong tuần này, phiên thứ Năm là phiên đáo hạn phái sinh, các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể có biến động khó lường. Theo Chứng khoán BIDV (BSC), những cây nến với thân nến rộng tăng giảm xen kẽ cho thấy hoạt động mua bán khá dứt khoát trước thông tin tích cực đan xen với tiêu cực.
Động lực tăng điểm suy yếu dù vậy VN-Index đã phản ứng khá tích cực với các đường trung bình động SMA50 và SMA20. Cùng với các tín hiệu kỹ thuật dần ổn định và thanh khoản thu hẹp, VN-Index nhiều khả năng sẽ chuyển sang vùng tích lũy trước khi có nhịp tăng điểm trở lại sau kỳ nghỉ lễ cùng sự trở lại của dòng tiền.