Top 10 tăng/giảm tuần 10 - 14/1: 'Cơn địa chấn' bất động sản khiến tam sàn chao đảo
VN-Index có tuần giao dịch đầy sóng gió với nhiều thông tin tiêu cực. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm mạnh hơn 32 điểm, đánh mất mốc 1.500 điểm, xuống còn 1.496,02 điểm. HNX-Index thậm chí còn tiêu cực hơn khi giảm 5,46% xuống 466,86 điểm.
Thanh khoản trên thị trường giảm dần về phiên cuối tuần nhưng nhìn chung, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 1,04 tỷ cổ phiếu/phiên, tăng 11,54% so với tuần trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 130 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 1,59%.
Về diễn biến dòng tiền, trước thông tin tiêu cực liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết giao dịch chui cổ phiếu FLC và Tân Hoàng Minh bỏ cọc dự án đất Thủ thiêm, nhóm NĐT cá nhân trong nước hoảng loạn và "xúc đất đổ đi" với tổng giá trị bán ròng tuần qua lên tới 1.800 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, khối tự doanh CTCK và NĐT ngoại lại đẩy mạnh mua ròng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản, với giá trị tương ứng 171 tỷ đồng và 1.144,5 tỷ đồng qua hai kênh khớp lệnh và thoả thuận.
Điều đáng nói là những cổ phiếu mà nhóm NĐT này gom mua là những mã có yếu tố nội tại tốt đi cùng tình hình tài chính ổn định. Còn những mã tăng nóng như FLC, CII, CEO... cũng bị bán thẳng tay, minh chứng cho câu "lên vì điều gì sẽ xuống vì điều đó".
Cổ phiếu bất động sản và "họ" FLC chiếm trọn danh mục giảm giá trên sàn HOSE
TIP của CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa là mã hiếm hoi ngược dòng cổ phiếu bất động sản tuần qua, dẫn đầu danh tăng giá trên sàn HOSE. Mặc dù cũng bị ảnh hưởng dây truyền và giảm 5,84% trong phiên 13/1, nhưng tính chung cả tuần mã này vẫn ghi nhận tỷ lệ tăng ấn tượng hơn 20% lên thị giá 60.300 đồng/cp.
Tiếp theo, cổ phiếu TSC của Nông Nghiệp Cần Thơ tiếp tục duy trì đà tăng bền vững trong tuần này, tiến lên mức giá 20.850 đồng/cp. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao trên trung bình 20 phiên gần nhất, thể hiện tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá tích cực với cổ phiếu này.
Một số cổ phiếu cũng nối tiếp chuỗi tăng trên sàn HOSE tuần qua như "tân binh" BAF, ACC, DC4... với tỷ lệ tăng không quá 15%.
Đáng chú ý, một đại diện nhà băng bất ngờ lọt top tăng giá trong tuần này là mã BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Nhóm ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ thị trường tuần qua và đánh dấu sự trở lại của cổ phiếu vua sau thời gian dài điều chỉnh.
Chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản và xây dựng chiếm trọn danh sách giảm giá trên sàn HOSE. Dẫn đầu là mã ASM của CTCP Tập đoàn Sao Mai với tỷ lệ giảm 31%.
Những cổ phiếu cùng ngành khác cũng theo đà rơi của thị trường như HAR (tỷ lệ giảm 28,5%), TGG (27%), DAG (25%), QBS (24%) và CKG (23%)...
Theo quan sát, trong phiên cuối cùng 14/1 đã có xuất hiện lực cầu bắt đáy cổ phiếu nhóm ngành này. Tuy nhiên, những NĐT liều mình cần lưu ý khó có thể đoán định được xu hướng của những mã này và rất có thể "bắt dao rơi".
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu FLC vẫn chưa được giải cứu và dư bán sàn hàng trăm triệu đơn vị. Tính chung cả tuần qua, "họ" FLC lao dốc hết biên độ, thị giá bốc hơi tới khoảng 30%. Với việc không có lực cầu đỡ giá, cộng thêm nhà đầu tư liên tục kê lệnh để "thoát hàng" khiến khối lượng khớp lệnh nhóm cổ phiếu này chỉ nhỏ giọt vài trăm nghìn đơn vị/mã.
Hiện nhiều công ty chứng khoán đã hạ hoặc cắt margin đối với 6 cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC, ví dụ như Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Chứng khoán BSC, Chứng khoán VPS... Với những nhà đầu tư lỡ mua và đu đỉnh những cổ phiếu này, cộng thêm các khoản vay margin, rất có thể sẽ bị "call margin" và chịu thiệt hại nặng nề.
Cổ phiếu đầu cơ "đo sàn" HNX
Trên sàn HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là VLA của Công nghệ Văn Lang tới 4/5 phiên tăng trần, tương đương tỷ lệ tăng 60,3%. Dù vậy thanh khoản của mã này rất thấp, khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ hơn 2.000 đơn vị/phiên.
Liên tục lọt top tăng giá từ đầu năm đến nay là cổ phiếu ECI của Bản đồ và Tranh ảnh Giáo dục. Trái ngược hoàn toàn với chuỗi phiên đứng giá tham chiếu trong suốt năm 2021, mã này tăng trần tới 8/9 phiên trong hai tuần đầu năm và hiện đang giao dịch tại thị giá 35.500 đồng/cp.
Một số cổ phiếu thanh khoản thấp cũng bất ngờ góp mặt trong top tăng giá trên sàn HNX tuần qua là LHC (tỷ lệ tăng 38%), SGC (32,5%), KST (29,5%)...
Tương tự sàn HOSE, các cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng chiếm sóng sàn HNX theo chiều hướng tiêu cực.
Hai hạt nhân trong hệ sinh thái của FLC là cổ phiếu ART và KLF dẫn đầu danh sách giảm giá với tỷ lệ lần lượt là 38% và 31%. Trong phiên cuối tuần, gần 11,2 triệu mã ART dư bán sàn, còn KLF là 25,6 triệu cp.
Loạt những cổ phiếu từng gây hiện tượng trên sàn chứng khoán như CEO, BII, LIG cũng nằm sàn la liệt và mất thanh khoản trong tuần qua. Đây là những mã đầu cơ, vốn tồn tại những yếu tố tạo lập đi cùng dòng tiền hoạt động âm, kết quả kinh doanh thua lỗ.
"Tân binh" BIG và ODE ngược dòng thị trường
Tăng giá mạnh nhất trên thị trường UPCoM tuần qua là cổ phiếu BIG của BIG Invest Group. Cổ phiếu BIG chào từ ngày 10/1 với giá tham chiếu 10.900 đồng/cp. Các phiên giao dịch sau đó, mã này đều tăng hết biên độ và leo lên mức 26.378 đồng/cp.
BIG được thành lập năm 2017, hoạt động kinh doanh chính xoay quanh lĩnh vực mua bán và cho thuê bất động sản, sự kiện, xây dựng với vốn điều lệ đạt 50 tỷ đồng. Đây là công ty của doanh nhân Phi Nhật Huy với tuyên bố sẽ sớm đưa BIG niêm yết trên sàn HOSE rồi sau đó là tại Mỹ.
Cùng ngày, một "tân binh" khác cũng lên sàn với giá tham chiếu 36.000 đồng/cp. Sau một tuần giao dịch, mã này tăng trần 4/5 phiên, tương ứng tỷ lệ 131%, lên thị giá 83.024 đồng/cp.
Tập đoàn ODE được thành lập vào năm 2016, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực Truyền thông, Giải trí, Truyền hình trực tuyến, Tổ chức sự kiện… với sự chú trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nội dung số. Đến nay, quy mô vốn điều lệ của ODE Group là 100 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu khác cũng ghi nhận mức tăng trên 25% tuần qua như NAU, CCT, USC, IME, DCH, LMC, TVA và CBS.
Sau chuỗi phiên đứng giá tham chiếu, cổ phiếu IHK của CTCP In Hàng Không giảm sàn tới 4 phiên giao dịch tuần qua, kết phiên 14/1 tại 17.600 đồng/cp. Thanh khoản của mã này có cải thiện so với thời gian trước đó, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức vài nghìn đơn vị mỗi phiên.
Lọt top giảm giá còn có các cổ phiếu khác như NJC (40%), PFL (33%), VHH (32%), TLI (31%)... Đây đều là những cổ phiếu thị giá nhỏ và giao dịch với thanh khoản rất thấp.