|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Masan muốn chào bán 1.700 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

17:07 | 21/11/2022
Chia sẻ
Masan dự kiến huy động 1.700 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý IV/2022.

HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng mệnh giá tối đa 1.700 tỷ đồng, dành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Lô trái phiếu có tên MSNH2227007, mệnh giá 1 tỷ đồng đồng/trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng (5 năm).

Trái phiếu được chào bán bằng đồng Việt Nam, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm, không phải nợ thứ cấp và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của tổ chức phát hành.

Hình thức chào bán là phát hành riêng lẻ theo quy định của Nghị định 153. Đại lý phát hành là công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS).

Masan dự kiến, tất cả trái phiếu sẽ chào bán vào một đợt trong quý IV/2022. Trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất bằng lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó cộng với biên độ 4,1%/năm.

Phương thức thanh toán gốc trái phiếu vào một lần ngày đáo hạn, ngày trái phiếu được mua lại trước hạn. Còn lãi trái phiếu sẽ được thanh toán vào ngày cuối cùng của mỗi kỳ tính lãi, ngày đáo hạn hoặc ngày trái phiếu được mua lại trước hạn.

Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được Masan dùng để thanh toán cho toàn bộ hoặc một phần khoản nợ trái phiếu.

 Kế hoạch sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nguồn: MSN.

Về tình hình huy động vốn, cách đây chục ngày, Tập đoàn công bố Ngân hàng HSBC Việt Nam cùng với một số định chế tài chính khác cung cấp cho Masan và Công ty TNHH The Sherpa, công ty con trực thuộc Masan, một khoản vay hợp vốn có thời hạn trị giá 600 triệu USD phục vụ cho mục đích đầu tư phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các mục tiêu chiến lược dài hạn của Masan và các mục đích chung của công ty.

Tháng 10, Masan cũng công bố phương án phát hành ra công chúng hai lô trái phiếu với tổng trị giá 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm. Thời gian phát hành dự kiến là trong quý I và quý II/2023.

Theo kế hoạch, Masan sẽ dùng 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của trái phiếu có mã MSN12001 với tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng, được phát hành ngày 30/3/2020 và đáo hạn 30/3/2023.

2.000 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của trái phiếu có mã MSN12003 với tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng, được phát hành ngày 12/5/2020 và đáo hạn 12/5/2023.

Hồi tháng 9, Masan đã huy động thành công hai lô trái phiếu với giá trị lần lượt là 700 tỷ và 800 tỷ đồng. Hai lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào ngày 21/9/2027, dùng để thanh toán một phần gốc của trái phiếu BondMSN012023 phát hành vào ngày 9/3/2020 và đáo hạn ngày 9/3/2023. Thời gian dự kiến sử dụng vốn là quý I/2023.

 Sản phẩm tương ớt thuộc Tập đoàn Masan. (Ảnh: Lâm Anh)

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Masan đạt 55.546 tỷ đồng giảm 14%, lợi nhuận sau thuế khoảng 3.951 tỷ đồng tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022 Masan dự kiến đạt doanh thu 75.000 - 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 4.800 - 5.500 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý, công ty hoàn thành 69 - 74% mục tiêu doanh thu, 72 - 82% kế hoạch lợi nhuận.

Về cơ cấu nguồn vốn, cuối quý III, tổng tài sản của công ty đạt 128.431 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 6.524 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9, tổng nợ vay của Masan là 60.931 tỷ đồng, chiếm 47% tổng nguồn vốn. Trong đó dư nợ trái phiếu là 33.898 tỷ đồng, bao gồm 15.122 tỷ đồng là trái phiếu không có đảm bảo, 18.776 tỷ đồng là trái phiếu có đảm bảo.

9 tháng đầu năm, chi phí lãi vay của công ty là 3.361 tỷ đồng.

Cuối quý III, vốn chủ sở hữu của Masan đạt 35.602 tỷ đồng bao gồm 11.032 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Lâm Anh