|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Masan huy động gói tín dụng 600 triệu USD từ HSBC và các định chế tài chính khác

10:59 | 11/11/2022
Chia sẻ
Quy mô khoản vay đã tăng lên 600 triệu USD từ mục tiêu 375 triệu USD ban đầu.

Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) (HSBC Việt Nam) cùng với một số định chế tài chính khác cung cấp cho CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) và Công ty TNHH The Sherpa, công ty con trực thuộc Masan, một khoản vay hợp vốn có thời hạn trị giá 600 triệu USD phục vụ cho mục đích đầu tư phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các mục tiêu chiến lược dài hạn của Masan và các mục đích chung của công ty.

HSBC đóng vai trò là Ngân hàng Đồng Bảo lãnh phát hành, Thu xếp vốn và Dựng sổ trong giao dịch này. 

Tiện ích tín dụng với kỳ hạn 5 năm này cũng là khoản vay hợp vốn lớn nhất với kỳ hạn dài nhất Masan từng huy động. Giao dịch đã thu hút sự quan tâm từ thị trường, thu hút 37 bên cho vay trong quá trình huy động vốn. Tổng giá trị khoản vay đã tăng lên 600 triệu USD so với mục tiêu ban đầu là 375 triệu USD.

Trong sự kiện "Đối thoại đầu tuần" mới đây do tờ Đầu tư tổ chức, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho rằng, thị trường vốn trong 12 – 18 tháng tới cực kỳ khó khăn vì lãi suất ở Mỹ và Việt Nam đang tăng. Cùng với đó là xung đột Nga và Ukraine khiến các nhà đầu tư dùng vốn vào những tài sản an toàn như trái phiếu của chính phủ Mỹ.

“Trước khi xảy ra khủng hoảng, các nhà đầu tư hay đi tìm kiếm cơ hội ở các công ty có nền tảng tốt nhưng lợi nhuận không cao. Ví dụ Uber hay Grab, ba năm qua có giá trị rất cao, nhưng thời gian này, họ không có lợi nhuận nên sức ép, giá trị co lại”, ông Danny Le nhận định.

Theo lãnh đạo Masan, sau giai đoạn khó khăn, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận nên việc gọi vốn sẽ khó khăn. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn cơ hội cho các công ty có dòng tiền tốt.

Về tình hình tài chính của Masan, tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA (trong 12 tháng qua) là 3,3 lần vào cuối tháng 9, tăng so với mức 2,2 lần tại cuối năm 2021, chủ yếu do lượng tiền mặt thấp hơn do Masan thực hiện các hoạt động sáp nhập để tăng tốc chiến lược WINLife.

Tiền và các khoản tương đương tiền đang có là 7.724 tỷ đồng vào cuối quý III, thấp hơn so với cuối năm 2021, do việc mua cổ phần Phúc Long và Nyobolt trong quý III.

Nợ ròng (tổng nợ vay trừ đi khoản tiền, tương đương tiền) cuối kỳ ghi nhận 53.207 tỷ đồng, tăng so với mức 35.540 tỷ đồng vào cuối năm 2021, do lượng tiền mặt giảm.

CAPEX tăng từ 2.115 tỷ đồng 9 tháng năm ngoái lên 3.069 tỷ đồng vào ba quý đầu năm nay.

Thiên Trường