|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Masan đạt hơn 37.000 tỷ đồng doanh thu nửa đầu năm: EBITDA nền tảng tiêu dùng bán lẻ cốt lõi tăng 32%

17:04 | 28/07/2023
Chia sẻ
Trước bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn, Masan Group tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong hai quý đầu năm.

CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán nửa đầu năm 2023. 

Trong 6 tháng đầu năm, The CrownX (TCX) nền tảng chủ chốt của Masan trong lĩnh vực bán lẻ ghi nhận doanh thu 26.835 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 3,1% so với cùng kỳ. EBITDA của TCX đạt 3.507 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, mặc dù tâm lý người tiêu dùng suy yếu ảnh hưởng đến năng suất bán hàng, doanh thu của WinCommerce (WCM, đơn vị sở hữu WinMart/WinMart+ và Win) ghi nhận mức tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ, đạt 14.517 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, WCM đã mở thêm 152 cửa hàng WinMart+ và 2 siêu thị WinMart mới, nâng tổng số điểm bán lên 3.511 địa điểm trên toàn quốc cho cả siêu thị mini và siêu thị.

WCM tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận gộp lên 24,8% trong quý II, tăng 270 điểm cơ bản so với biên nhuận gộp 22,1% trong quý I trước đó. Do đó, biên EBITDA của WCM tăng 120 điểm cơ bản lên 2,2% trong quý II, từ mức 1% trong quý I. 

Tính chung nửa đầu năm, biên EBITDA của WCM đạt 3,6%, cho thấy khả năng sinh lời cải thiện bất chấp việc gia tăng mở cửa hàng và nhu cầu của người tiêu dùng yếu hơn. Hiện tại, 106 cửa hàng WIN, nơi người tiêu dùng thành thị có thể tiếp cận 60% nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, đã đạt mức tăng trưởng doanh số bán hàng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Bên trong siêu thị WinMart. (Ảnh: WCM).

Trong nửa đầu năm, Masan Consumer (MCH) ghi nhận mức tăng trưởng 4,7% lên 12.940 tỷ đồng. Các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, và sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình (HPC) ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 21,3%, 7,8%, và 52,1%.

Biên lợi nhuận gộp của MCH liên tục mở rộng và đạt 45% trong quý II, tăng 530 điểm cơ bản từ mức 39,7% trong quý II/2022. Biên EBITDA của MCH đã tăng 25% trong quý II/2023, tăng xấp xỉ 150 điểm cơ bản từ 23,5% của quý II/2022.

Phúc Long (PLH) ghi nhận doanh thu giảm 4,6% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm với việc mở cửa hàng mới chậm hơn khi ngành bán lẻ F&B gặp khó khăn. Các cửa hàng Phúc Long bên ngoài chuỗi cửa hàng/siêu thị WCM có doanh thu đạt 581 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 3,9% so với cùng kỳ. Đối với ki-ốt, mô hình Hub & Spokes giúp nâng doanh thu trung bình hàng ngày của các ki-ốt lên 40% so với trước khi chuyển đổi mô hình. 

Nhờ doanh thu cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm và đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt chế biến, doanh thu Masan MEATLife (MML) tăng 70,2% nửa đầu năm lên 3.303 tỷ đồng. Trên cơ sở LFL, doanh thu tăng 22,2% năm nhờ doanh số cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm của MML.

Đối với thịt chế biến, doanh thu tăng 45,5% lên 1.108 tỷ đồng do sản lượng tăng mạnh. MML đã thu hẹp khoảng cách giá với chợ truyền thống thông qua chương trình giá độc quyền cho hội WIN đối với sản phẩm thịt có thương hiệu.

Riêng trong tháng 6, doanh thu hàng ngày của các sản phẩm MML trong chuỗi siêu thị/cửa hàng WCM đã tăng 30% lên 1,55 triệu đồng.

Doanh thu Masan High-Tech Materials (MHT) giảm 9,9% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm do nhu cầu các sản phẩm của công ty giảm trên toàn cầu.

Techcombank (TCB), công ty liên kết của Masan, đã đóng góp 1.853 tỷ đồng vào EBITDA trong nửa đầu năm, giảm 23,4% so với cùng kỳ. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Masan đạt 37.315 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Năm 2023, tập đoàn đặt mục tiêu đạt 90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng doanh thu thuần. Như vậy, kết thúc hai quý đầu năm, Masan đã thực hiện được 41% - 37% kế hoạch cả năm.

Đức Huy