|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mark Zuckerberg cố bắt chước Elon Musk nhưng Facebook có thể chịu vố đau

06:18 | 05/11/2021
Chia sẻ
Mark Zuckerberg đang cố xây dựng lại hình ảnh bản thân là anh hùng công nghệ của tương lai giống như cách Elon Musk tạo ra sự đột phá với xe điện. Nhưng loạt thất bại quá khứ khiến việc chuyển hướng sang metaverse của Facebook có vẻ đầy rủi ro.
Mark Zuckerberg đang bắt chước chiến lược của Elon Musk - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg muốn xây dựng vũ trụ mới. (Ảnh: Bloomberg).

Có vẻ như khi càng nhiều tuổi, các tỷ phú công nghệ càng dành nhiều thời gian theo đuổi giấc mơ mà có thể họ đã tưởng tượng ra thời thơ ấu. Elon Musk và Jeff Bezos chạy đua lên không gian, còn bây giờ Mark Zuckerberg có kế hoạch xây dựng "vũ trụ" kỹ thuật số mở rộng gọi là metaverse.

Tuần trước, Mark Zuckerberg thông báo Facebook sẽ đổi tên thành Meta, để phản ánh sự tập trung vào nền tảng thực tế ảo tăng cường mới "nhằm kết nối con người".

Nhìn thoáng qua, có vẻ như Mark Zuckerberg đang cố chuyển sự chú ý khỏi các rắc rối Facebook đang gặp, nhưng đây mới chỉ là một phần nguyên nhân. Dường như Mark Zuckerberg đang theo chân Elon Musk với việc cố gắng trở thành người sẽ cách mạng tương lai với kế hoạch hoành tráng để thay đổi nhân loại. Nếu thành công, Mark Zuckerberg sẽ là người chiến thắng lớn nhất từ sự chuyển hướng của Facebook.

Nhưng liệu metaverse có làm nên chuyện?

Theo Bloomberg, lịch sử nhan nhản những công ty công nghệ không thể xoay chuyển sang nền tảng mới - dù có nguồn gốc từ sự đổi mới. Điển hình là Nokia. 

Hồi 2007, Nokia nắm giữ thị phần điện thoại di động lớn nhất trên toàn cầu. Sau đó công ty cố xây dựng nền tảng mới cho ứng dụng và thất bại trong cuộc cạnh tranh với iPhone của Apple và hệ điều hành Android của Google. Trong vòng 6 năm, Nokia đi từ công ty có vốn hóa 150 tỷ USD đến chỗ phải bán mình cho Microsoft với giá 7,2 tỷ USD.

Arm là một ví dụ khác. Thiết kế chip của Arm gián tiếp làm nên gần như tất cả smartphone trên thế giới, mang lại nguồn thu nhập thụ động béo bở từ phí giấy phép.

Vài năm trước Arm tiến sang thế giới Internet of Things (IoT), xây dựng phần mềm để kết nối xe cộ, chuông cửa, máy giặt và hơn thế nữa. Tin rằng mục tiêu đó sẽ thành công, SoftBank đã mua Arm với giá 32 tỷ USD vào năm 2016. Nhưng mảng kinh doanh IoT bị đình trệ và vào năm 2020, Arm cho biết sẽ tách bộ phận này ra và tập trung vào cấp phép chip.

Ngay cả việc Google tái cấu trúc thành Alphabet cũng gặp khó khăn, với một số "khoản đặt cược" của tập đoàn hầu như chỉ ngốn tiền. 6 năm sau khi tìm hướng đi mới, 80% doanh thu của Alphabet vẫn đến từ quảng cáo.

Meta cũng sẽ phải vật lộn với việc kiếm tiền từ bất cứ dịch vụ nào ngoài việc bán quảng cáo trên Facebook và Instagram. Mảng kinh doanh cốt lõi này thành công và vững chắc đến mức Facebook vẫn chưa kiếm tiền từ một nền tảng khác mà công ty đã sở hữu trong 7 năm qua: WhatsApp. Ứng dụng nhắn tin này có khoảng 2 tỷ người dùng hàng tháng nhưng chỉ tạo ra doanh thu không đáng kể, ngay cả sau những nỗ lực lâu dài để tạo nền tảng cho quảng cáo và nhắn tin kinh doanh.

Về mảng thực tế ảo, Facebook còn phải cố bắt kịp với Roblox và Valve. Trong khi đó, những sản phẩm thực tế ảo sắp tới từ Apple, Google và Microsoft sẽ là những đối thủ khó nhằn.

Và Facebook đã từng phải vật lộn để biến những ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm. Những "viên đạn lép" bao gồm: Home, nền tảng di động phải đóng cửa vào năm 2013 dù từng tạo được tiếng vang lớn. Poke và Slingshot, hai ứng dụng và Facebook tạo ra để đối dịch với Snapchat lần lượt bị gỡ vào năm 2014 và 2015.

Facebook cũng không thể tạo ra trợ lý giọng nói cho thiết bị gọi video của mình là Portal. Thay vào đó, công ty phải dùng Alexa của Amazon.

Facebook và Zuckerberg 

Liệu metaverse có tiếp tục trở thành một trong những thất bại đau đớn của Facebook? Với hàng tỷ USD, Mark Zuckerberg chắc chắn sẽ xây dựng được điều gì đó, nhưng thành công về mặt tài chính của nó rất đáng ngờ.

So với Facebook, Mark Zuckerberg là kẻ hưởng lợi rõ ràng hơn. Trước mặt Quốc hội Mỹ, Mark Zuckerberg sẽ là vị CEO nghiêm túc trả lời câu hỏi về nội dung độc hại trên Facebook. Còn trước mặt công chúng, ông sẽ nói về những cách mới mà Meta đang biến khoa học viễn tưởng thành sự thật.

Xét về phương diện trên, Mark Zuckerberg vừa có bước đi theo hướng giống như CEO Tesla, đặt cược vào tương lai giống như những gì Elon Musk làm với dự đoán về xu hướng chuyển dịch sang xe điện.

Bất chấp căng thẳng giữa hai vị CEO, Mark Zuckerberg đã lặng lẽ cố gắng bắt chước Elon Musk. Một người trực tiếp làm việc với Mark Zuckerberg kể với Bloomberg rằng vài năm trước nhà sáng lập Facebook bắt đầu đăng bài lên mạng xã hội thường xuyên hơn vì muốn có lượng fan đông đảo như Musk. 

Mark Zuckerberg còn tăng lượng người theo dõi bằng cách thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để ghi lại hình ảnh công việc và cuộc sống gia đình, cùng nhiều chiến lược khác.

Nhưng lịch sử hay những người theo dõi sẽ không nhớ đến Mark Zuckerberg như ông tổ của thực tế ảo nếu ông tiếp tục ngó lơ nội dung độc hại trên Facebook.