|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mark Zuckerberg bị cô lập tại Facebook

15:11 | 27/10/2021
Chia sẻ
Mark Zuckerberg thường chỉ chia sẻ về quyết định của mình với một nhóm nhỏ nhân sự. Trong khi đó, thông tin ông tiếp cận được cũng rất hạn chế.

Mark Zuckerberg, CEO Facebook, đang bị cô lập trong chính công ty của mình trong bối cảnh ông đang phải đối diện với nhiều chỉ trích sau vụ rò rỉ nhiều tài liệu nội bộ (được nhắc đến với tên gọi Facebook Papers), theo The Washington Post.

Cựu nhân viên Facebook nói rằng Mark Zuckerberg chủ yếu trao đổi các quyết định của ông với một nhóm nhỏ có tên gọi "Small Team" và một nhóm lớn hơn gồm các lãnh đạo tên là "M-Team" (hay Mark's Team).

Mark Zuckerberg bị cô lập tại Facebook giữa tâm bão scandal - Ảnh 1.

Facebook đang phải đối mặt với nhiều thông tin tiêu cực rò rỉ từ nội bộ. (Ảnh: The Washington Post).

Hồi đầu tuần này, một nhóm bao gồm 17 cơ quan báo chí lớn cho biết đang nghiên cứu nhiều tài liệu nội bộ bị rò rỉ của Facebook.

Báo cáo của The Washington Post mô tả phong cách lãnh đạo của Mark Zuckerberg dựa trên phỏng vấn với nhiều cựu nhân sự Facebook và thông tin từ Facebook Papers. The Washington Post cho biết Facebook kiểm soát chặt chẽ các thông tin liên quan đến Mark Zuckerberg cũng như các thông tin có thể tiếp cận đến ông.

Về phần mình, Facebook phủ nhận việc Mark Zuckerberg bị cô lập. Cựu nhân sự Facebook nói với The Washington Post rằng Mark Zuckerberg áp đặt tầm ảnh hưởng của mình đến công ty theo mức độ lớn hơn nhiều so với những gì đã từng được nhắc đến trên báo chí.

"Cái bóng của Mark Zuckerberg phủ bóng lên mọi thứ mà Facebook thực hiện", Brian Boland, cựu phó chủ tịch phụ trách đối tác và marketing của Facebook, chia sẻ. "Mọi thứ đều do Mark kiểm soát".

Bên cạnh các quyết định cao cấp, Mark Zuckerberg dường như vẫn còn thời gian để quản lý những vấn đề nhỏ nhặt tại mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Hai nguồn tin nói với The Washington Post rằng đích thân Mark Zuckerberg là người đã chọn lựa màu sắc và thiết kế cho khung hình đại diện mang chỉ đề tiêm phòng vắc xin COVID-19 ("I got vaccinated") trên Facebook.

Bên cạnh vấn đề nói trên, trang WSJ cũng đăng tải nhiều thông tin "gây sốc" về Facebook sau khi xem xét các hồ sơ và tài liệu bị rò rỉ. Facebook thường bị chỉ trích vì không thể kiểm soát được ngôn ngữ mang tính chất thù hằn trên website tiếng Anh của mình. Tuy nhiên, mọi thứ còn trầm trọng hơn đối với các ngôn ngữ khác của người dùng.

Một tài liệu vào năm 2021 nói rằng có rất ít các nhà quản lý nội dung bằng tiếng Ả-rập (ngôn ngữ được Ả-rập Xê-út, Yemen và Libya) sử dụng. Một nghiên cứu khác liên quan đến Afghanistan, nơi Facebook có 5 triệu người dùng, cho thấy thậm chí các nội dung hướng dẫn người dùng báo cáo ngôn ngữ thù hằn cũng bị dịch thiếu chính xác.

Một điều đáng chú ý khác là Facebook lại chủ yếu phân bổ ngân sách liên quan đến phát triển thuật toán phát hiện thông tin sai lệch về thị trường Mỹ. Cụ thể, Facebook phân bổ 87% ngân sách phát triển thuật toán phát hiện tin giả cho Mỹ trong năm 2020, con số quá lớn so với 13% ngân sách cho các thị trường còn lại trên toàn thế giới.

Không dừng lại ở đây, WSJ nói rằng Facebook không hiểu cách hoạt động của chính thuật toán của mình. Một nghiên cứu của Facebook vào tháng 9/2019 cho thấy người dùng nam giới nhìn thấy các bài đăng về chính trị nhiều hơn nữ giới 64% ở "gần như toàn bộ các quốc gia".

Mặc dù nam giới có xu hướng theo dõi các trang chia sẻ thông tin chính trị nhiều hơn, nghiên cứu nêu rõ thuật toán xếp hạng News Feed của Facebook cũng đóng vai trò trong thực tế này.

Từ lâu, Facebook cũng khẳng định các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) của mình có thể phát hiện và gỡ bỏ các thông tin không hợp lệ. Tuy nhiên, hồ sơ nội bộ lại cho thấy AI của Facebook vẫn cực kỳ hạn chế.

Một tài liệu vào tháng 3/2021 cho thấy Facebook chỉ gỡ bỏ được từ 3% đến 5% ngôn ngữ tì hằn và 0,6% nội dung bạo lực. Một tài liệu khác nói Facebook khó có thể gỡ đượcqua mốc 10% đến 20% vì "rất thách thức" để AI có thể hiểu được ngữ cảnh của ngôn ngữ mà người dùng đang sử dụng".

Tuy vậy, Facebook vẫn quyết định sẽ tăng sử dụng AI để có thể giảm bớt chi phí liên quan đến các quản trị viên nội dung con người từ năm 2019.

Facebook đang phải đối mặt với đợt khủng hoảng lớn nhất kể từ scandal tai tiếng Cambridge Analytica sau khi nhiều tài liệu và nguồn tin nội bộ cho thấy công ty này "đề cao lợi nhuận hơn là sự an toàn" của người dùng.

Trên trang cá nhân, Mark Zuckerberg thừa nhận các công ty lớn nên được điều tra, theo dõi cẩn trọng và các chỉ trích thiện chí khiến mọi thứ thêm tốt đẹp. Tuy nhiên, người đứng đầu Facebook khẳng định rằng nhiều người đang chọn lọc các tài liệu rò rỉ để "vẽ lên một bức tranh sai lệch" về công ty của ông.

Mark Zuckerberg cũng khẳng định Facebook đầu tư mạnh vào an toàn và bảo mật cho người dùng với 40.000 nhân sự và 5 tỷ USD trogn năm 2021. "Tôi tin rằng con số này lớn hơn bất kỳ công ty công nghệ nào, ngay cả khi đã điều chỉnh theo quy mô", ông chia sẻ.

Người đồng sáng lập Facebook cũng cho rằng nhiều vấn đề không phải là vấn đề của riêng mạng xã hội. "Điều này có nghĩa là dù Facebook làm gì, chúng tôi cũng không thể tự mình giải quyết chúng", ông nhấn mạnh.

Nam Khánh