|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người giàu nhất ngành công nghệ Trung Quốc

07:49 | 27/10/2021
Chia sẻ
Trong khi các "ông lớn" như Jack Ma chật vật khi chính phủ Trung Quốc thắt chặt quản lý ngành công nghệ, Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance, âm thầm tích luỹ thêm tài sản.

Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, đã trở thành người giàu nhất ngành internet Trung Quốc với tổng tài sản ròng khoảng 59,4 tỷ USD, theo số liệu xếp hạng tỷ phú từ Forbes.

Lúc này, ông Zhang Yiming đang đứng thứ 20 trong danh sách những người giàu nhất thế giới và xếp hạng hai trong số các tỷ phú Trung Quốc. Ông Zhang Shanshan, người sáng lập công ty nước đóng chai Nongfu Spring, hiện là người giàu nhất thế giới với tổng tài sản trên 60 tỷ USD.

Ngôi vương người giàu nhất làng công nghệ Trung Quốc có chủ mới - Ảnh 1.

ByteDance là một trong những startup lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. (Ảnh: AFP).

Ông Pony Ma và Jack Ma, người đồng sáng lập của hai công ty Internet lớn nhất thế giới là Tencent và Alibaba, lần lượt giữ các vị trí sau Zhang Yiming trong bảng xếp hạng người giàu nhất Trung Quốc. Thời gian gần đây, tổng tài sản của hai "ông lớn" này liên tục suy giảm trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc thắt chặt các hoạt động điều tra và kiểm soát liên quan đến các công ty công nghệ ở các mảng như hoạt động kinh doanh, bảo mật dữ liệu, độc quyền và vận hành fintech.

Trong 6 tháng qua, ông Pony Ma đã mất hơn 15 tỷ USD khi tổng tài sản của ông giảm hơn 20% xuống còn 49,7 tỷ USD. Cùng thời điểm, tổng tài sản của Jack Ma cũng giảm gần 6 tỷ USD xuống còn 42,5 tỷ USD, theo thống kê của Kr-Asia.

Trong khi đó, tài sản ròng của Zhang Yiming tăng hơn 65% từ thời điểm tháng 4 năm nay để chạm mốc 59,4 tỷ USD. Vào tháng 5, ông Zhang gửi đi một thông điệp nội bộ trong đó công bố việc ông sẽ rời ghế CEO của ByteDance vào cuối năm 2021. Sau thời điểm này, ông sẽ tập trung vào các chiến lược dài hạn hơn của công ty.

Sau khi Trung Quốc công bố nhiều động thái tăng cường kiểm soát các công ty internet lớn, ByteDance cũng đã chủ động giảm tốc độ hoạt động mà trước đó từng khiến công ty này được biết đến với tên gọi "nhà máy ứng dụng".

Theo đó, ByteDance đã co gọn hoạt động của nhiều mảng như công nghệ giáo dục và công nghệ tài chính từ đầu năm nay. Mảng trò chơi trực tuyến và thương mại hoá của ByteDance gần đây cũng có nhiều thay đổi.

Theo Kr- Asia, hồi tuần này, một số nhân viên ByteDance đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ chuẩn bị bị sa thảo. Hơn 100 nhân viên ByteDance tại Ôn Châu được yêu cầu nghỉ việc trong vòng 2 ngày, trang The Economic Observer đưa tin hôm 19/10.

Các nhân sự bị sa thải phần lớn thuộc nhóm thương mại hoá với chức năng chính là bán quảng cáo trên các ứng dụng của ByteDance. Bên cạnh đó, một người dùng giấu tên cũng chia sẻ trên mạng xã hội Zhihu rằng hơn 20 người đang phát triển nền tảng game xã hội Ohayoo cũng mất việc trong đợt này. Ngoài ra, phần lớn các nhân sự là sinh viên mới ra trường cũng bị thôi việc.

Trên trang The Paper, đại diện ByteDance nói rằng việc sa thải nhân sự nằm trong hoạt động tái cơ cấu công ty song từ chối đi sâu vào chi tiết. Hôm 21/10, Bloomberg đưa tin rằng Susquehanna International Group, một trong những nhà đầu tư sớm nhất và lớn nhất vào ByteDance, đang cân nhắc bán 500 triệu USD giá trị cổ phần ByteDance.

Công ty đầu tư Mỹ này tìm kiếm cơ hội bán cổ phần ByteDance ở định giá công ty khoảng 400 tỷ USD song không thành công. Vì lý do này, hiện Susquehanna International Group đang hạ thấp mức giá đề nghị, nguồn tin nói với Bloomberg. Mới đây, một cổ đông khác của ByteDance bán được cổ phần ở định giá dao động trong khoảng từ 360 tỷ USD đến 370 tỷ USD.

Trong một diễn biến khác, ByteDance nhiều khả năng sẽ lùi kế hoạch thực hiện IPO cho tới thời điểm cuối năm 2022 sau khi những rào cản liên quan đến điều hành và quản lý tại Trung Quốc được giải quyết.

Trước đó, vào hồi tháng 4, một người đại diện của ByteDance nói với South China Morning Post rằng ByteDance hiện chưa có kế hoạch thực hiện IPO. ByteDance cũng phủ nhận một báo cáo trên Financial Times hồi tháng 8 trong đó nhắc đến việc ByteDance sẽ niêm yết tại Hong Long vào quý 4/2021 hoặc đầu năm sau.

Trong năm 2020, ByteDance đạt lợi nhuận gộp 19 tỷ USD từ mức doanh thu lên tới 34,3 tỷ USD. Dù vậy, công ty này vẫn lỗ hoạt động 2,1 tỷ USD do phát hành thêm cổ phần cho nhân viên.

TikTok, một ứng dụng của ByteDance, là một trong những sản phẩm công nghệ hiếm hoi của Trung Quốc đạt được thành công trên phạm vi toàn thế giới. Ứng dụng này hiện vẫn đang phát triển tại Mỹ bất chấp lệnh cấm được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Hồi tháng 6, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden quyết định sẽ không tiếp tục theo đuổi lệnh cấm nói trên.

Hồi tháng trước, nền tảng video ngắn của ByteDance đã đạt cột mốc 1 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn thế giới. Như vậy, chỉ trong vòng một năm, TikTok đã có thêm 300 triệu người dùng.

Hiện tại, ByteDance vẫn đang đi tìm kiếm ứng dụng "bom tấn" tiếp theo của mình. "Ông lớn" internet này đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như thương mại điện tử, trò chơi trên di động và thậm chí cả thực tế ảo với mức độ thành công khác nhau.

Nam Khánh