|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bê bối lịch sử của Facebook: Lôi kéo người dùng trẻ tuổi bằng các nội dung tiêu cực, bạo lực

13:59 | 06/10/2021
Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử của nền tảng xã hội Facebook liên quan đến cách thuật toán xử lý các bài đăng có nội dung tương tác cao.

Tiết lộ mới được đưa ra ánh sáng bởi Frances Haugen - một nữ nhân viên khoa học dữ liệu từng làm việc tại Facebook, có khả năng dẫn đến vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử công ty, theo NPR's Morning Edition.

Sự việc bắt đầu nóng lên vào thứ Ba ngày 5/10 (giờ Việt Nam) khi bà Haugen ra điều trần trước một uỷ ban của thượng viện Mỹ. Bà đã cung cấp một cái nhìn rõ ràng và chi tiết về những gì diễn ra bên trong gã khổng lồ mạng xã hội. Bà nói rằng Facebook có hại cho trẻ em, gieo rắc sự chia sẻ và phá hoại nền dân chủ, theo đuổi tăng trưởng nóng với mục tiêu lợi nhuận là trên hết.

Trong quá khứ, Facebook đã từng gây tranh cãi về vai trò của mình trong việc tác động tới kết quả bầu cử ở Mỹ hay như xử lý lỏng lẻo dữ liệu người dùng trong bê bối Cambridge Analytica đã buộc mạng xã hội lớn nhất hành tinh này phải thúc đẩy cải cách nội bộ.

Tuy nhiên, lần này thì khác. Những thông tin mà bà Haugen mang ra ánh sáng có khả năng sẽ gây phẫn nộ rất lớn đối với người dùng toàn cầu. Dưới đây là 4 lý do vì sao.

Bê bối lịch sử của Facebook: Lôi kéo người dùng trẻ tuổi bằng các nội dung tiêu cực, bạo lực - Ảnh 1.

Frances Haugen - một nữ nhân viên khoa học dữ liệu từng làm việc tại Facebook. (Ảnh: AP).

Thuật toán giúp lan truyền thông tin sai lệch, tiêu cực

Haugen từng làm việc tại Facebook gần hai năm sau khi đã làm việc tại Google, Yelp và Pinterest. Tại Facebook, bà đã nghiên cứu cách thuật toán mạng xã hội này sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch và bị các thế lực bên ngoài lợi dụng.

Haugen nói với thượng viện Mỹ rằng Facebook luôn chọn cách tối đa hoá tăng trưởng thay vì thực hiện các biện pháp bảo vệ người dùng trên nền tảng. Đơn cử, họ đã che giấu công chúng và các cơ quan chức năng về những nghiên cứu nội bộ chỉ ra tác hại của những sản phẩm Facebook cung cấp cho người dùng.

"Kết quả nghiên cứu cho thấy Facebook mang tới sự chia sẻ, nguy hại, dối trá, đe doạ và xung đột nhiều hơn. Trong một số trường hợp, các buổi livestream trực tuyến nguy hiểm này thực tế có thể dẫn đến bạo lực, thậm chí là giết người", bà Haugen nói.

Trước khi Haugen rời Facebook, bà đã sao chép hàng nghìn trang tài liệu mật và chia sẻ chúng với các nhà lập pháp, cơ quan quản lý và tờ báo Wall Street Journal.

"Trong thời gian làm việc tại Facebook, tôi nhận ra một sự thật tàn khốc: Hầu như không một ai bên ngoài Facebook biết về những gì thực sự đang xảy ra bên trong Facebook. Công ty đã cố tình che dấu các thông tin quan trọng với công chúng, chính phủ Mỹ cũng như với chính phủ các nước trên thế giới", bà nói.

Frances Haugen không phải là cựu nhân viên Facebook đầu tiên cảnh báo về những tác hại của mạng xã hội này. Tuy nhiên có hai điều khiến Haugen nổi lên như một hiện tượng: Bà là một nhân chứng thuyết phục, có sự xác tín, cụ thể và chi tiết. Bà đang sở hữu hàng nghìn trang tài liệu do chính Facebook nghiên cứu về các sản phẩm của mình.

Trả lời phỏng vấn NPR's Morning Edition, một giám đốc Facebook Monika Bickert nói rằng công ty không đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của người dùng, bằng chứng là Facebook đã dừng quảng cáo các nội dung chính trị trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm ngoái.

Trong một bài blog đăng vào tối ngày 4/10, CEO Mark Zuckerberg nói rằng các nghiên cứu nội bộ của công ty đã bị xuyên tạc. "Thật không vui khi thấy những báo cáo đó được đưa ra ngoài bối cảnh và được sử dụng để xây dựng lên một câu chuyện sai lệch mà chúng tôi không quan tâm", CEO Facebook chia sẻ.

Muốn trẻ hoá người dùng bằng mọi cách

Đặc biệt các nhà lập pháp quan tâm đến ảnh hưởng của Instagram đối với trẻ nhỏ. Bà Haugen tiết lộ một nghiên cứu của Facebook cho thấy 13,5% các cô gái tuổi teen ở Anh nói rằng ý định tự tử của họ trở nên thường xuyên hơn.

Một nghiên cứu khác lại chỉ ra 17% trẻ em vị thành niên là nữ nói rằng chứng rối loạn ăn uống của họ trở nên tồi tệ hơn sau khi sử dụng Instagram. Khoảng 32% các cô gái trẻ tuổi cho biết họ cảm thấy xấu hổ về cơ thể của mình và Instagram khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn.

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn cáo buộc Facebook cố tình nhắm vào trẻ em dưới 13 tuổi bằng một sản phẩm gây nghiện, bất chấp việc ứng dụng yêu cầu người dùng phải đủ 13 tuổi trở lên.

"Rõ ràng Facebook đã ưu tiên lợi nhuận hơn sức khoẻ tinh thần và thể chất của trẻ em cũng như của tất cả người dùng", bà nói. Facebook đã khai thác trẻ vị thành niên bằng cách sử dụng các thuật toán để lan truyền những tin tức tạo ra sự bất an.

Haugen nói rằng khi các nhà nghiên cứu và nhà lập pháp bên ngoài hỏi Facebook về ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ và sự an toàn của trẻ em, công ty sẽ không bao giờ công bố những báo cáo này.

Sau khi những số liệu trên được công khai, Facebook cho biết họ đã tạm dừng hoạt động cung cấp dịch vụ Instagram cho trẻ em dưới 13 tuổi.

Cuộc cách mạng chấn chỉnh Facebook

Trong phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jerry Moran nói rằng hai đảng nên gác lại những khác biệt để hướng tới mục tiêu chung: Chấn chỉnh Facebook. Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Richard Blumenthal đồng ý khi cho rằng trong vấn đề này, khác biệt giữa hai đảng là rất nhỏ.

"Mọi miền đất nước đều đang phải chịu những tác hại mà Facebook hay Instagram gây ra", ông nói. Nhưng các nhà lập pháp có thể làm gì trước những mối nguy hại đó?

Bà Haugen kêu gọi các nhà lập pháp kiểm tra các thuật toán thúc đẩy tính năng phổ biến như nguồn cấp dữ liệu chính trong Facebook và Instagram.

Trong đó, thuật toán thường ưu tiên cho các bài đăng nhận được nhiều tương tác như "like" và bình luận. Khi nhận được tương tác, bài đăng đó sẽ được lan truyền nhanh hơn và được gợi ý nổi bật trong nguồn cấp dữ liệu thay vì hiển thị các bài đăng theo thứ tự thời gian.

Công thức dựa trên mức độ tương tác giúp nội dung giật gân như các bài đăng gây phẫn nộ, căm thù hoặc thông tin sai lệch bị lan truyền đi xa. Bà Haugen nói với các nhà lập pháp rằng điều này đang khiến thanh thiếu niên tiếp xúc nhiều hơn với thông tin tiêu cực.

"Nó kéo các thành viên gia đình trở nên xa cách nhau. Trên thực tế, ở Ethiopia, nó đã kích động bạo lực sắc tộc". Bà nói thêm rằng những cải cách nên làm cho bản thân nền tảng mạng xã hội trở nên an toàn, ít giật gân và ít lan truyền hơn.

Một đề xuất khác đang được lưỡng đảng xem xét là cho phép các cá nhân kiện Facebook và các công ty truyền thông xã hội khác về những thuật toán của họ. Bên cạnh lên án Facebook, Haugen phản đối ý kiến cấm vĩnh viễn Facebook bởi theo bà điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền tảng mạng xã hội.

Thẻ đỏ dành cho nền tảng mạng xã hội lớn nhất hành tinh

Các luật sư của Haugen đã nộp 8 đơn kiện lên Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, tập trung vào các tuyên bố công khai của Facebook về các vấn đề bao gồm những gì mạng xã hội này biết về cuộc bạo động xảy ra trên đồi Capitol vào đầu năm nay, lan truyền hành vi căm thù và cách Instagram khiến nhiều người mặc cảm về hình thể của bản thân.

Nhóm pháp lý của Haugen cho hay Facebook đã khai báo gian dối, bỏ qua những chi tiết đã biết về khả năng gây hại mà các nền tảng của mình gây ra cho cuộc sống con người.

Các luật sư cáo buộc Facebook vi phạm luật chứng khoán Mỹ khi nói dối các nhà đầu tư. Cơ quan quản lý liên bang và các công tố viên tiểu bang chưa cho biết chính quyền sẽ có những động thái phản ứng ra sao.

Phía ngược lại, Facebook đang gây sức ép lên Haugen. Ban đầu, công ty cho rằng bà đã phạm luật. Giám đốc Facebook Monika Bickert nói với CNN rằng những tài liệu Haugen có được là ăn cắp. Các chuyên gia cũng cho rằng những tiết lộ của Haugen cho báo chí có thể là kẽ hở pháp lý giúp Facebook kiện ngược.

Chí Dũng