Mạng xã hội của ông Trump như 'thị trấn ma', chính chủ cũng không buồn đăng
Sau khi 'đoạn tuyệt" với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho ra mắt mạng xã hội của riêng mình. Và hồi tháng 2, Truth Social - mạng xã hội của ông Trump đã chính thức ra mắt.
Suốt hơn một tháng hoạt động, Truth Social đã mang lại trải nghiệm như thế nào cho người dùng? Hãy cùng khám phá qua bài đánh giá của biên tập viên công nghệ, Rosie Bradbury, được đăng trên tờ Business Insider.
Theo Bradbury, khi cô đăng ký tài khoản thì được xếp vào danh sách chờ ở vị trí ố 157.120 và mãi đến 14/3, tức ba tuần sau khi Truth Social ra mắt, nữ biên tập viên mới được trải nghiệm nền tảng mạng xã hội do ông Trump phát hành. Tuy nhiên, có vẻ mọi thứ không giống như những gì mà Trump Media & Technology Group, công ty đứng sau Truth Social quảng cáo.
"Nó giống một thị trấn ma và tràn ngập những con bot", Bradbury đánh giá. Và có vẻ đây là dấu hiệu báo trước tương lai không mấy tươi sáng của Truth Social.
Kể từ khi ra mắt, lượt tải xuống và thời gian dành cho ứng dụng đã có xu hướng giảm dần. Theo một phân tích của Similarweb, Truth Social đã giảm từ vị trí số một về lượt tải xuống trên App Store tại Mỹ xuống vị trí thứ 173. Điều này là vì danh sách tài khoản chờ xét duyệt dài và khiến người dùng bớt cảm thấy hào hứng với việc trải nghiệm mạng xã hội này. Thậm chí, kể cả khi được sử dụng, Truth Social cũng không mang lại nhiều nội dung đặc sắc cho người dùng.
Khi chính thức được trải nghiệm Truth Social, Bradbury cho biết cô được đề xuất một danh sách khoảng 50 tài khoản được theo dõi, đứng đầu trong đó là tài khoản của ông Trump, sở hữu 823.000 người theo dõi... và sau khi nữ biên tập viên theo dõi các tài khoản này, cô phát hiện các bài đăng được đẩy lên rất ít nội dung tự viết mà hầu hết chỉ là bài viết được liên kết trang web và được đăng tự động thông qua nguồn cấp dữ liệu RSS.
Đáng chú ý, dù nêu cao tinh thần lan tỏa sự thật nhưng mạng xã hội của ông Trump lại tập hợp nhiều tờ báo lá cải xuất hiện hơn là những kênh tin tức chính thống như CNN, NBC, The New York Times, WSJ... Thậm chí, Fox News, kênh tin tức ưa thích của ông Trump cũng không có mặt trên Truth Social.
Có một tài khoản tên là @FoxNewsChannel nhưng nó chỉ có 5.920 người theo dõi và đăng tổng cộng 30 "truth" (tương tự bài đăng - PV). Một con bot thực hiện nhiệm vụ tổng hợp RSS cho trang web của Fox Sports, có 76.300 người theo dõi và tài khoản này dường như không được liên kết với chính Fox News.
Chuyển qua trải nghiệm tìm kiếm thông tin từ các hashtag, Bradbury cho biết hầu như các thẻ thịnh hành đều hạn chế nội dung lẫn cả tương tác người dùng, những thẻ liên quan đến chiến sự Ukraine dường như chỉ đăng các thuyết âm mưu.
Giao diện người dùng của Truth Social gần giống với Twitter nhưng không thể hoàn hảo như bản gốc vì có một số lỗ hổng về chức năng. Bạn có thể bình luận, đăng lại và nhấn nút "like" nhưng bạn không thể thêm nhận xét của riêng mình khi đăng tải lại "truth". Tính năng nhắn tin trực tiếp cũng chưa được sử dụng. Tính năng xác minh danh tính người dùng không được phổ biến và có phần hạn chế.
Đáng nói hơn cả, người mà ai cũng nghĩ sẽ hoạt động tích cực nhất trên nền tảng này là ông Trump, dường như cũng không hoạt động. Cựu tổng thống Mỹ chỉ có một bài đăng duy nhất từ khoảng tháng trước và hiện chưa có cập nhật thêm nội dung mới.
"Truth Social giống như là thiên đường cho các cuộc tranh luận bảo thủ. Nó giống mạng xã hội của những con bot nhiều hơn", nữ biên tập viên Branbury nhận xét sau trải nghiệm với mạng xã hội của ông Trump.
Nhiều phản hồi dưới bài đăng của ông Donald Trump đều là quảng cáo cho tiền điện tử với nội dung cứng nhắc. Ngay cả đối với những hashtag phổ biến cũng chủ yếu xuất hiện trên các bài đăng do bot tạo ra.
Cho tới thời điểm hiện tại Truth Social giống như một đứa “con hoang” bị bỏ xó của vị cựu tổng thống. Tại thời điểm mới ra mắt, Truth Social nhận được hàng trăm nghìn tài khoản yêu cầu đăng ký, nhưng có bao nhiêu người thực sự dùng mạng xã hội này hay đây chỉ là nơi cho những con bot làm việc, kéo nội dung tự động để cố giữ một nền tảng đang "chết yểu"?