Mảng trái cây khởi sắc vẫn chưa thể cứu Hoàng Anh Gia Lai thoát lỗ, chỉ còn 61 tỉ tiền mặt trên khối tài sản gần 40.000 tỉ đồng
Báo cáo tài chính quí I/2020 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) cho thấy sự khởi sắc trong lĩnh vực nông nghiệp với doanh thu thuần đạt 833,6 tỉ đồng, cao gấp đôi so với cùng kì năm trước. Cùng với đó, lợi nhuận gộp cũng cao gấp 3,3 lần lên 282,7 tỉ đồng; biên lãi gộp đạt 33,9%.
Trong đó, riêng doanh thu từ trái cây đóng góp tới 83% tương đương 692,5 tỉ đồng, cao gấp gần 3,5 lần so với quí I/2019. Doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa giảm tăng 50% lên 30,9 tỉ đồng.
Mặt khác, doanh thu bán mủ cao su giảm 33% xuống 68 tỉ đồng. Công ty cũng không còn doanh thu từ ớt, cùng kì năm trước mảng này đóng góp gần 39 tỉ đồng.
Trong khi đóng góp từ mảng trái cây có sự tích cực trở lại, HAGL vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động tài chính với doanh thu giảm 20,9% xuống 157,1 tỉ đồng.
Dù chi phí tài chính giảm đáng kể do đã thanh khoán lượng lớn nợ trái phiếu trong quí IV/2019, HAGL vẫn chịu khoãn lãi vay ngân hàng và trái phiếu lên đến 267 tỉ đồng, cùng với lỗ tỉ giá khiến chi phí tài chính đội lên 324 tỉ đồng.
Thêm vào đó, HAGL cũng chịu lỗ 14,5 tỉ đồng từ hoạt động khác do không còn hoàn nhập dự phòng, cùng kì năm trước công ty lãi hơn 272 tỉ đồng từ hoạt động này.
Do vậy, doanh nghiệp "bầu Đức" tiếp tục lỗ sau thuế 78,2 tỉ đồng trong quí đầu năm 2020 và lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ghi nhận 69 tỉ đồng. Kết quả này của HAGL có phần kém khả quan hơn so với công ty con HAGL Agrico khi đã có lãi trở lại sau 6 quí thua lỗ liên tiếp.
Trên bảng cân đối kế toán cho thấy, tình hình tài chính của HAGL cũng chưa được cải thiện. Cụ thể, nợ phải trả tại ngày 31/3 ở mức 22.952 tỉ đồng, chiếm 68,8% cơ cấu nguồn vốn của công ty; trong đó riêng nợ vay ngắn hạn ở mức 3.050 tỉ đồng và vay dài hạn 12.035 tỉ đồng.
Nợ ngắn hạn vào cuối tháng 3 ở mức 8.607 tỉ đồng, vượt 2.103 tỉ đồng so với tài sản ngắn hạn. Trong báo cáo tài chính năm 2019, đơn vị kiểm toán cũng đã lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của HAGL khi các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 1.000 tỉ đồng.
Mặc dù HAGL đã lên tiếng phản hồi rằng đã lập kế hoạch dòng tiền dự kiến trong năm 2020 từ các dự án đang triển khai và tái cơ cấu một số khoản nợ và kì vọng doanh thu từ chuối sẽ đem lại nguồn tiền chính trong ngắn hạn.
Đồng thời, HAGL cũng đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tài chính và làm việc với các bên cho vay để có biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất. Theo đó, HAGL "xét đoán" rằng sẽ có khả năng tiếp tục hoạt động bình thường trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, với tổng tài sản ghi nhận đến 39.366 tỉ đồng vào cuối tháng Ba, lượng tiền mặt của công ty của Bầu Đức chỉ còn 61 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 254 tỉ đồng hồi đầu năm. Đây cũng là con số thấp nhất kể từ khi HAGL bắt đầu công bố báo cáo tài chính từ năm 2006. Theo đó, có vẻ như mối lo về thanh khoản của HAGL vẫn còn quá lớn trong mắt các nhà đầu tư.