Mảng kính xây dựng và gạch ốp lát của Viglacera đang gặp khó
Bộ Xây dựng muốn thoái gần 81 triệu cp Viglacera, ước thu về tối thiểu 2.100 tỷ đồng | |
Cổ phiếu đạt đỉnh lịch sử, Viglacera lãi kỷ lục vượt 1.000 tỷ đồng năm 2017 |
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới có báo cáo phân tích về Tổng công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC).
Theo đó, BVSC điều chỉnh dự báo năm 2018 so với lần cập nhật trước do triển vọng kinh doanh có sự thay đổi và điều chỉnh giảm doanh thu lĩnh vực khu công nghiệp. BVSC dự báo doanh thu của Viglacera đạt 8.928 tỷ đồng (giảm 3%) và lợi nhuận trước thuế đạt 752 tỷ đồng. EPS năm 2018 khoảng 1.242 đồng.
Chấp nhận lợi nhuận khu công nghiệp thấp để thu hút các khách hàng
BVSC cho rằng tình hình tiêu thụ các khu công nghiệp của Viglacera khả quan khi công ty đang trong quá trình đàm phán với các khách hàng. Kế hoạch cho thuê trong năm 2018 của một số khu công nghiệp như Đồng Văn IV là 20ha, Yên Phong 2 là 25ha, Yên Phong 1 là 7,5ha. Doanh thu khu công nghiệp dự báo khoảng 1.100 tỷ đồng, tăng 10,3%
Tuy nhiên, lợi nhuận đem lại có thể không cao do Viglacera đưa ra mức giá ưu đãi để thu hút khách hàng lớn, ở khu công nghiệp Yên Phong 2 là khoảng 58 USD/m2, chỉ bằng 68% so với mức giá ở khu công nghiệp Yên Phong 1.
Lĩnh vực kính xây dựng và gạch ốp lát gặp khó khăn
BVSC giữ quan điểm cho rằng thị trường kính 2018 bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nguồn cung trong nước tăng mạnh, đồng thời công ty vấp phải sự cạnh tranh của kính nhập khẩu từ thị trường ASEAN (chủ yếu là thị trường Malaysia) do thuế nhập khẩu của kính nổi giảm từ 5% về 0% từ đầu năm 2018.
Phía Viglacera cũng cho hay mức biên gộp hơn 31% đạt được trong năm 2016 và 2017 là khá cao và không bền vững nên nhiều khả năng giảm xuống trong tương lai.
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng 2015-2017, thị trường gạch nhìn chung đã xuất hiện tình trạng dư cung. Theo chia sẻ từ đại diện Viglacera, nguồn cung gạch năm 2017 lên tới 700 triệu m2. Trong khi đó, nhu cầu theo ước tính của BVSC chỉ đạt khoảng 550- 580 triệu m2. Tỷ lệ tiêu thụ/sản xuất đang ngày càng giảm sút, đạt khoảng 80%. Do đó, BVSC nhận định giá gạch có thể tiếp tục xu hướng đi xuống trong năm 2018.
Thêm vào đó, các công ty con chuyên gạch ốp lát của Viglacera có thể gặp khó khăn trong việc bán hàng trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. Đặc biệt là CTCP Viglacera Tiên Sơn (Mã: VIT), đơn vị chiếm khoảng 50% doanh thu mảng gạch ốp lát, đang gặp khó khăn khi chưa thể đẩy mạnh doanh số trong khi các chi phí cố định tăng cao như khấu hao hay lãi vay.
Thoái vốn là yếu tố hỗ trợ
Câu chuyện thoái vốn của Nhà nước là điểm nhấn đầu tư của Viglacera trong giai đoạn hiện nay và kéo dài sang năm 2019. Đợt bán đầu tiên hơn 80 triệu cp (tương ứng 20% vốn điêu lệ) kéo dài từ ngày 27/6 đến 20/7. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng vẫn chưa thực hiện bán thành công.
BVSC cho rằng nguyên nhân chính là do nhiều nhà đầu tư khác tận dụng “điểm yếu” trong phương án thoái vốn để bán được giá cao. Họ có thể đặt bán ở mức giá từ 26.000 đồng trở xuống để khớp trước số lượng bán của Bộ Xây dựng (quy định là không thấp hơn 26.100 đồng. Theo đó, phía bên mua và Viglacera có thể đã tính toán một phương án khác hoặc chờ sang năm tới 2019 để thực hiện giao dịch với toàn bộ vốn góp (53,97% cổ phần) của Bộ Xây dựng.
Lợi nhuận trước thuế quý II có thể giảm 18%
BVSC dự báo lợi nhuận trước thuế của Viglacera trong quý II đạt 219 tỷ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ. Phân theo lĩnh vực, mảng bất động sản vượt qua mảng kính xây dựng để chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu lợi nhuận khoảng 52%. Trong đó, đóng góp chủ yếu là từ khu công nghiệp Yên Phong mở rộng.
Lĩnh vực gạch ốp lát đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận trong khi cùng kỳ năm trước có tỷ trọng khoảng 13%. Nguyên nhân là do lợi nhuận các công ty con như Viglacera Tiên Sơn (Mã: VIT) và Viglacera Thăng Long (Mã: TLT) đều ở mức thấp.