|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mai Linh 'thay tướng' sau chưa đầy 7 tháng bổ nhiệm

17:36 | 03/09/2020
Chia sẻ
Ông Rahn Wood vừa bị bãi nhiệm chức Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Mai Linh chỉ sau 7 tháng nhậm chức.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Mai Linh vừa kí quyết định "miễn nhiệm nhân sự" với ông Rahn Wood - người giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh từ ngày 1/2/2020.

Theo đó, ông Rahn Wood sẽ thôi giữ chức vụ và miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Mai Linh kể từ ngày 1/9/2020.

Ông Rahn Wood có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc, hồ sơ và các tài liệu liên quan đến Mai Linh cho HĐQT và thực hiện các thủ tục theo qui định của pháp luật hiện hành.

Song song, Mai Linh đã tiến hành bổ nhiệm ông Phạm Minh Sương, Phó Tổng Giám đốc Mai Linh lên nắm Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn kể từ ngày 1/9/2020.

Như vậy, chưa đầy một năm Mai Linh đã hai lần thay tướng.

Trước đó, hồi đầu năm nay hãng vận tải 30 năm tuổi này đã bổ nhiệm ông Rahn Wood giữ chức Tổng giám đốc.

Nhằm đáp ứng qui định Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của cùng một công ty đại chúng, theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Ông Rahn Wood, quốc tịch Australia, từng được cho là có 33 năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng lớn trên toàn thế giới với nhiều giải thưởng giá trị. 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam và am hiểu về văn hóa, con người Việt Nam.

Ông Rahn Wood cũng là người tiên phong trong mảng kĩ thuật số và công nghệ. Một số ngân hàng ông Rahn Wood từng làm việc và giữ chức vụ quan trọng như: HSBC, MasterCard, VIB, Techcombank, Eximbank Việt Nam…

Trong buổi lễ bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới vào tháng 2/2020, ông Hồ Huy - Chủ tịch Mai Linh nhấn mạnh, với việc bổ nhiệm ông Rahn Wood Mai Linh quyết tâm đưa công nghệ vào phát triển hoạt động kinh doanh.

Triển khai công nghệ trong các lĩnh vực như: thanh toán không dùng tiền mặt trong tất cả các hoạt động kinh doanh, đưa Mai Linh trở thành công ty toàn cầu, và là doanh nghiệp hàng đầu về vận tải và logistic.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra vào cuối tháng 7, Mai Linh cũng đã bày tỏ tham vọng sau năm 2021 sẽ có 20.000 xe taxi công nghệ, chiếm lĩnh thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam, đối đầu trực tiếp với hai ông lớn là Grab và beGroup.

Liên quan đến tình hình kinh doanh, trong năm 2019 - năm đầu tiên sau sáp nhập hai công ty con là Mai Linh miền Trung và Mai Linh miền Bắc để thành CTCP Tập đoàn Mai Linh, việc kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn khá ì ạch với lỗ luỹ kế hơn 1.000 tỉ đồng.

Cụ thể, kết thúc năm 2019, Mai Linh Group ghi nhận doanh thu thuần 2.217 tỉ đồng, giá vốn bán hàng ở mức 1.709 tỉ đồng, tương ứng với mức giảm lần lượt 10% và 14%.

Kết thúc năm 2019, Mai Linh chứng kiến khoản lỗ thuần 148 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh, tăng 32% so với năm trước.

Nhờ khoản "lợi nhuận khác" tăng từ 129 tỉ đồng năm ngoái lên 150 tỉ đồng trong năm nay, Mai Linh chỉ còn ghi nhận khoản lỗ ròng sau thuế đã giảm xuống còn 6 tỉ đồng so với khoản lỗ 26 tỉ đồng trong năm ngoái.

Với khoản lỗ ròng 5,2 tỉ đồng thuộc về cổ đông công ty mẹ, tổng lỗ luỹ kế của Mai Linh Group đã lến đến 1.039 tỉ đồng tính đến ngày 31/12/2019.

Trong khi đó, các tài khoản thanh khoản của Mai Linh Group ở mức thấp. Lượng tiền mặt của công ty chỉ còn khoảng 53 tỉ đồng vào cuối 2019.

Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, nhưng với bức tranh chung của ngành vận tải hành khách trước ảnh hưởng bởi COVID-19, vẫn quá khó để Mai Linh Group có thể lội ngược dòng.

Thiên Trường