Mai Linh Corp xin giảm vốn, giảm số lượng thành viên HĐQT sau hợp nhất
Xin giảm số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 người
Theo tài liệu đại hội cổ đông 2019 của CTCP Tập đoàn Mai Linh (MLC) vừa công bố, Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty sẽ tiến hành xin ý kiến cổ đông giảm số lượng thành viên HĐQT từ 7 người xuống còn 5 người trong giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ 2019 – 2023 nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo đó, cả 7 thành viên HĐQT đương nhiệm của Mai Linh Group có đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 25/4 gồm ông Hồ Huy (Chủ tịch MLC), ông Đỗ Văn Anh Thắng, ông Lê Nguyễn Anh Tuấn, ông Hà Đăng Luyện, ông Ngô Hữu Hùng, ông Hồ Quốc Phi và ông Võ Thành Nhân.
5 ứng cử viên HĐQT được bầu bổ sung gồm ông Hồ Huy, ông Lê Nguyễn Anh Tuấn, ông Hà Đăng Luyện (là 3 thành viên cũ) và hai cái tên mới gồm bà Hồ Thị Phượng và bà Hồ Thị Quỳnh Như.
Trong đó, bà Hồ Thị Phượng (sinh năm 1973), em gái của ông Hồ Huy, hiện là Phó Ban Kế toán – MLC, đang sở hữu 1,46 triệu cổ phiếu, tương đương 0,84% vốn điều lệ.
Bà Hồ Thị Quỳnh Như (sinh năm 1980), từng công tác tại MLC giai đoạn 2002 – 2015, hiện đang là Phó phòng Hành chính Nhân sự tại Công ty TNHH Dịch vụ Ô tô Sài Gòn Toyota Tsusho.
Ngoài các thành viên HĐQT, MLC cũng xin ý kiến miễn nhiệm 3 thành viên BKS gồm ông Phạm Văn Thiết, bà Trần Thị Bích Thủy và bà Đỗ Kim Anh; các ứng viên được bầu bổ sung gồm ông Mai Hà Thành Hùng, bà Phạm Thị Thanh Hương và bà Trần Thị Bích Thủy.
Mai Linh Corp tiến hành hợp nhất 3 doanh nghiệp trong hệ thống năm 2018
Xin giảm vốn từ 1.729 tỉ đồng xuống còn 1.247 tỉ đồng
Tại đại hội năm nay, HĐQT cũng trình đại hội cổ đông xem xét thông qua việc xác định lại tài sản, công nợ, vốn góp của chủ sở hữu và đăng ký lại vốn điều lệ của MLC sau hợp nhất.
Trước đó, CTCP Tập đoàn Mai Linh (MLC) như hiện tại được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 doanh nghiệp gồm CTCP Tập đoàn Mai Linh, CTCP Mai Linh Miền Bắc và CTCP Mai Linh Miền Trung.
Ngày 12/7/2018, Sở kế hoạch và đầu tư TP HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty hợp nhất với số vốn điều lệ 1.729 tỉ đồng, và chấm dứt sự tồn tại của các công ty tham gia hợp nhất. Qua đó, toàn bộ tài sản, nợ phải trả của các công ty này được chuyển cho doanh nghiệp mới.
Ngày 1/11/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho công ty hợp nhất được chào bán 172,9 triệu cổ phiếu để hoán đổi với cổ đông các công ty tham gia hợp nhất.
Do đây là trường hợp hợp nhất đầu tiên đối với các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành (ngân hàng, chứng khoán…), MLC đã xin hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc hạch toán, kế toán liên quan đến tài sản, công và vốn góp của chủ sở hữu.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, MLC được thành lập trên 3 doanh nghiệp hợp nhất đều trong nội bộ Tập đoàn nên bản chất đây là việc tổ chức và tái cấu trúc lại. Do đó, cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) thì về nguyên tắc, việc tổ chức và cấu trúc lại phải đảm bảo không làm thay đổi tình hình tài chính và giá trị tài sản thuần của MLC trước và sau thời điểm tái cấu trúc.
Tại phương án hợp nhất, vốn điều lệ công ty hợp nhất được hình thành trên cơ sở định giá lại giá trị các doanh nghiệp. Vốn điều lệ xác định cao hơn giá trị vốn góp của chủ sở hữu ghi sổ của các công ty tham gia hợp nhất là kết quả của việc định giá xác định giá trị doanh nghiệp cao hơn so với giá trị ghi sổ.
Theo đó, HĐQT xin ý kiến cổ đông thông qua việc ghi nhận tài sản, nợ phải trả trên báo cáo tài chính MLC đúng bằng giá trị ghi sổ tương ứng của các tài sản, nợ phải trả trên BCTC của các công ty tham gia hợp nhất.
Vốn góp ghi nhận trên BCTC của MLC sẽ là 1.247 tỉ đồng, tương ứng với 124,67 triệu cổ phần. Công ty cũng xin thông qua việc đăng ký lại vốn điều lệ công ty hợp nhất, triển khai các nội dung liên quan…