|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lỗ luỹ kế hơn 1.000 tỉ đồng, Mai Linh vẫn muốn tham gia cuộc chơi 'đốt tiền' đấu với Grab, be

08:41 | 30/07/2020
Chia sẻ
Mai Linh tham vọng sau năm 2021 sẽ có 20.000 xe taxi công nghệ, chiếm lĩnh thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam, đối đầu trực tiếp với hai ông lớn là Grab và beGroup.

Mai Linh muốn có 20.000 taxi công nghệ

CTCP Tập đoàn Mai Linh vừa tiến hành Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Đại hội bàn về quá trình tái cấu trúc, các hoạt động kinh doanh, tài chính, nhân lực và đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong năm 2020.

Đáng chú ý, trong kế hoạch hoạt động năm 2020, ban lãnh đạo Mai Linh nhấn mạnh tham vọng sau năm 2021 doanh nghiệp sẽ có 20.000 xe taxi công nghệ, chiếm lĩnh thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam, vốn đang được chia hai ông lớn là Grab và beGroup.

Để cụ thể hoá mục tiêu này, ngay trong trung tuần tháng 7, Mai Linh đã cho ra mắt mô hình xe taxi công nghệ, gồm Smart Taxi và SmartCar, tại Nghệ An. Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước được Mai Linh lựa chọn để triển khai thí điểm dòng sản phẩm mới.

Theo đó, với mô hình taxi công nghệ của Mai Linh, khách hàng có thể đặt xe thông qua ứng dụng, qua tổng đài hoặc đón xe ở điểm bất kì. Toàn bộ cước phí sẽ được tính toán và hiển thị trên ứng dụng điện thoại hoặc đồng hồ thông minh.

Ngoài ra, với các thiết bị SmartPOS gắn trên xe, khách hàng cũng có thể thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các loại thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện tử,…

Khác với taxi truyền thống, khi doanh nghiệp mỗi năm phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc để đầu tư đội xe, mô hình taxi công nghệ mới cho phép Mai Linh có thể thu hút được các tài xế cá nhân tham gia hợp tác, tương tự như các hãng gọi xe công nghệ.

Tài xế tham gia dịch vụ taxi công nghệ của Mai Linh không cần gắn đèn mui xe hay sơn lại màu xe. Các đối tác cũng sẽ được nhận khách tại các điểm tiếp thị của hãng, nhận chuyến từ khách hàng doanh nghiệp như tài xế taxi truyền thống.

Chủ tịch Mai Linh, ông Hồ Huy cho biết, đây là chiến lược quan trọng của Tập đoàn trong thời gian tới. "Chúng tôi phải chuyển mình thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trên đường đua số", ông Huy nói.

Trong cuộc đua 4.0, taxi truyền thống tại Việt Nam đã tỏ ra hụt hơi trước các hãng xe công nghệ, để mất một lượng lớn khách hàng vào tay những startup gọi xe mới nổi như Grab.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, sau 5 năm kể từ khi Uber, Grab bước chân vào thị trường Việt Nam, tính đến giữ năm 2018, 40 hãng taxi truyền thống đã biến mất trên thị trường.

Mai Linh cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Việc mất thị phần một cách chóng vánh đã khiến doanh nghiệp này thua lỗ thê thảm.

Năm 2017, kiểm toán Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Mai Linh do âm vốn lưu động gần 1.300 tỉ đồng, lỗ lũy kế gần 800 tỉ đồng và đến cuối năm 2019, khoản lỗ này đã lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Do đó, việc chuyển đổi sang mô hình taxi công nghệ có thể được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp truyền thống này.

Hiện Mai Linh đang nhận đơn đăng kí đối tác tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng. Phú Quốc, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Phú Thọ. 

Chính thức bước vào cuộc chơi "đốt tiền"

Tại Việt Nam, gọi xe công nghệ chưa bao giờ là một mảng kinh doanh có lãi.

Bước chân vào thị trường từ năm 2014, và hiện là đơn vị chiếm lĩnh gần như áp đảo thị phần gọi xe tại Việt Nam nhưng điều này không khiến cho Grab kinh doanh có lãi.

Trong suốt gần 6 năm hoạt động, Grab liên tiếp báo lỗ, năm sau luôn lỗ cao hơn năm trước. Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2014 cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Grab âm 51,7 tỉ đồng và lỗ tới 422 tỉ đồng trong năm 2015.

Sang đến năm 2016, Grab vẫn lỗ 445 tỉ đồng và bất ngờ số lỗ tăng vọt 789 tỉ đồng trong năm 2017. Số thua lỗ ngày càng tăng, tỉ lệ thuận với qui mô và mạng lưới của Grab tại Việt Nam.

Năm 2018, Grab ghi nhận khoản lỗ khổng lồ lên tới 885 tỉ đồng.

Ngoài Grab, beGroup hay GoViet (giờ thành GoJek) cũng vẫn đang loay hoay với "chiến lược đốt tiền" để mở rộng thị phần, chiếm lĩnh thị trường.

Do đó, để bước chân vào cuộc đua này, như lời vị Chủ tịch Mai Linh khẳng định, doanh nghiệp không những phải có tiền mà còn là rất nhiều tiền.

Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính của Mai Linh, người ta không khỏi giật mình khi doanh nghiệp này lại tỏ tham vọng "đấu" lại Grab.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 vừa được Mai Linh công bố, công ty ghi nhận khoản lỗ gần 6 tỉ đồng trong năm 2019, đưa tổng lỗ luỹ kế vượt mốc 1.000 tỉ đồng.

Kết thúc năm 2019, Mai Linh chứng kiến khoản lỗ thuần 148 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh, tăng 32% so với năm trước.

Trên bảng cân đối kế toán, vốn điều lệ của Mai Linh Group vẫn ở mức 1.247 tỉ đồng, không thay đổi so với cuối năm trước. Do vẫn lỗ luỹ kế, vốn chủ sở hữu của Mai Linh Group chỉ còn 340 tỉ đồng trên tổng nguồn vốn 4.831 tỉ đồng theo ghi nhận của Tập đoàn.

Trong khi đó, các tài khoản thanh khoản của Mai Linh ở mức thấp. Lượng tiền mặt của công ty chỉ còn khoảng 53 tỉ đồng vào cuối 2019.

Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.399 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2018. Riêng khoản "phải thu khác" ghi nhận đến 974 tỉ đồng.

Với tình hình tài chính hiện nay, Mai Linh khó có đủ sức để đối đầu và đi đường trường với các hãng gọi xe những Grab, be vốn được chống lưng bởi các ông lớn lắm tiền nhiều của? 

Hay đây chỉ là một trong những giải pháp tình thế vẫy vùng để tồn tại trước sức ép khủng khiếp đến từ hãng xe công nghệ?

Mới đây, Mai Linh cũng đã công bố hàng loạt kế hoạch bước chân vào lĩnh vực kinh doanh mới như truyền thông, làm đại lí bảo hiểm,… khi mảng kinh doanh chính không còn mang về lợi nhuận cho hãng.

Thiên Trường