Lương tối thiểu vùng 2019: Cần đánh giá mức lương hiện tại trước
Nhằm xây dựng các căn cứ đề xuất lương tối thiểu, qua đó báo cáo với Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019, Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới công tác thống kê thực hiện lương tối thiểu.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành cần tổ chức nắm tình hình việc thực hiện lương tối thiểu vùng theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP trên địa bàn phụ trách.
Đặc biệt lưu ý mặt được và chưa được, nguyên nhân và cách điều chỉnh mức lương trong thang lương, bảng lương và mức lương trong hợp đồng lao động của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
Đồng thời, tổng hợp số liệu tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu rà soát địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng.
Trong trường hợp có đề xuất điều chỉnh vùng lương, Bộ yêu cầu Sở LĐ-TB-XH tỉnh, thành phố phối hợp với LĐLĐ tỉnh, thành và chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại địa phương tổ chức trao đổi với Ban Quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất (nếu có), các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ quan, tổ chức liên quan đóng trên địa bàn, trên cơ sởtổng hợp báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi Bộ LĐ-TB&XH.
Được biết trong năm 2017, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thêm 6,5% so với mức lương của năm 2017, tương đương từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xem xét và an hành Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 như sau: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng; vùng II: 3.530.000 đồng/tháng; vùng III: 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-230.000 đồng/tháng.