Lực lượng 'gõ phím' toàn cầu tình nguyện tham gia chiến tranh mạng Nga - Ukraine, nguy cơ gây hỗn loạn internet
Quy mô cuộc chiến tranh mạng liên quan đến xung đột Nga – Ukraine đang gia tăng khi ngày càng có nhiều người tham gia cuộc chiến này, theo CNBC.
Theo nhóm nghiên cứu của Check Point Software Technologies, số lượng các cuộc tấn công mạng được thực hiện bởi những tổ chức liên quan đến cả Nga và Ukranie kể từ khi xung đột nổ ra là "đáng kinh ngạc".
Lotem Finkelstein, người đứng đầu bộ phận tình báo tại Check Point Software cho biết: "Lần đầu tiên trong lịch sử, bất kỳ ai cũng có thể tham gia một cuộc chiến. Chúng tôi thấy toàn bộ cộng đồng mạng tham gia, nơi nhiều nhóm và cá nhân đứng về một phía, Nga hoặc Ukraine. Điều này gây ra sự hỗn loạn".
Cuộc nổi dậy toàn cầu cấp cơ sở
Ba ngày sau khi Nga chính thức mở "chiến dịch đặc biệt" tại Ukraine, các cuộc tấn công mạng nhằm vào những khu vực quân sự và chính phủ Ukraine đã tăng 196%, theo Check Point Research (CPR). Theo số liệu, số lượng tổ chức tội phạm mạng đã tăng nhẹ ở cả Nga và Ukraine, trong khi giảm ở hầu hết khu vực khác trên thế giới.
Từ thời điểm đó, các nhà chức trách Ukraine ước tính khoảng 400.000 tin tặc đa quốc gia đã tình nguyện giúp đỡ Ukraine, theo Yuval Wollman, chủ tịch công ty an ninh mạng CyberProof và cựu Tổng giám đốc Bộ Tình báo Israel.
"Các tình nguyện viên cấp cơ sở đã tạo ra sự gián đoạn trên diện rộng. Họ vẽ ra các thông điệp phản chiến tranh trên các phương tiện truyền thông của Nga và làm rò rỉ dữ liệu từ các hoạt động của nước này. Chưa bao giờ chúng tôi thấy mức độ can dự đến một cuộc xung đột lớn như thế này", ông Wollman nhấn mạnh.
Ba tuần sau, Ukraine tiếp tục hứng chịu một loạt cuộc tấn công trực tuyến, hầu hết nhằm vào chính phủ và quân đội của họ, theo dữ liệu của CPR.
Moscow luôn phủ nhận việc họ tham gia vào chiến tranh mạng hoặc hỗ trợ các cuộc tấn công mạng. Ngày 19/2, Đại sứ quán Nga tại Washington cho biết trên Twitter rằng họ "chưa bao giờ tiến hành và không tiến hành bất kỳ hoạt động độc hại nào trên không gian mạng".
Dữ liệu từ CPR cho thấy các cuộc tấn công vào Nga đã giảm trong cùng khung thời gian. Ông Finkelstein nói có thể có một số lý do dẫn đến điều đó, bao gồm nỗ lực của Nga nhằm giảm khả các cuộc tấn công hoặc tăng cường an ninh để bảo về an toàn trên internet.
"Quân đội CNTT của Ukraine"
Là mục tiêu lâu dài của các cuộc tấn công mạng bị nghi ngờ của Nga, Ukraine dường như đang hoan nghênh sự trợ giúp từ giới tin tặc toàn cầu.
Theo yêu cầu được đăng trên Twitter của Bộ trưởng kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov, khoảng 308.000 người đã tham gia một nhóm Telegram được gọi là "Đội quân CNTT của Ukraine".
Một thành viên của nhóm là Gennady Galanter, nhà đồng sáng lập công ty CNTT Provectus. Ông cho biết nhóm đang tập trung vào việc phá vỡ các trang web của Nga, ngăn chặn thông tin sai lệch và đưa thông tin chính xác đến công dân Nga.
"Mọi thứ đang hoạt động", ông Gennady Galanter nói đồng thời làm rõ rằng bản thân đang hành động với khả năng của mình chứ không phải vì công ty của ông ấy.
Tuy nhiên, Galanter cho biết có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi tham gia. Một chiến thuật được nhóm sử dụng là tấn công từ chối dịch vụ phân tán, cố gắng làm cho các trang web được nhắm mục tiêu không thể truy cập được.
"Đó rõ ràng là chủ nghĩa côn đồ, nhưng đồng thời với tôi, người đã rời khỏi Liên Xô vào năm 1991 và có vợ là người Nga, tôi cảm thấy phải làm gì đó để giúp đưa ra sự thật", ông nhấn mạnh.
Galanter bày tỏ lo ngại những nỗ lực hiện tại có thể không đủ so với khả năng trên không gian mạng của Nga. Ông lo lắng rằng những nỗ lực của nhóm có thể bị coi là công cụ tuyên truyền của Ukraine hoặc phương Tây, hoặc bị gắn nhãn mác sai lệch nào đó
"Thực tế là rất nhiều bạn bè của tôi đang ở Nga, kể cả người thân của tôi. Họ hoàn toàn nhận những thông tin sai lệch. Họ có cái nhìn không chính xác về những gì đang diễn ra. Họ nghi ngờ những gì chúng tôi nói", ông chia sẻ.
Nhà đồng sáng lập Provectus cho biết công ty của ông đã ngừng hoạt động ở Nga và đang hỗ trợ các nhân viên muốn di tả khỏi những vùng chiến sự.
Moscow có thể trả đũa
Nhiều người dự kiến rằng Moscow và những người ủng hộ Nga sẽ trả đũa các quốc gia đứng về phía Ukraine, cũng như danh sách ngày càng tăng các ngân hàng và doanh nghiệp rút khỏi quốc gia này.
Ngày 4/3, tỷ phú Elon Musk đăng dòng tweet cho biết quyết định chuyển hướng vệ tinh Starlink và cung cấp các thiết bị đầu cuối internet cho Ukraine có nghĩa là "xác suất bị nhắm mục tiêu là cao".
Các chuyên gia cảnh báo hành động trả đũa có thể dẫn đến "chiến tranh mạng toàn cầu" giữa Nga và phương Tây.
Theo ông Wollman, Nga được cho là đứng sau một số cuộc tấn công kỹ thuật số chống lại Ukraine trong những tuần trước khi xung đột nổ ra, nhưng kể từ đó Nga đã thể hiện sự kiềm chế, "ít nhất là cho đến bây giờ".
Tuy nhiên, ông chia sẻ thêm rằng các báo cáo về sự giận dữ ngày càng tăng trong Điện Kremlin đối với các lệnh trừng phạt mới có thể khiến chiến tranh mạng trở thành một trong số ít "công cụ" còn lại trong sách của Tổng thống Nga Putin.
"Điện Kremlin có công cụ gì để chống lại các lệnh trừng phạt? Theo một số người, một phản ứng trên mạng sẽ là biện pháp đối phó khả thi nhất của Nga", ông cho biết.