Xung đột Nga - Ukraine có thể tạo ra cuộc chiến tranh mạng toàn cầu
Khi Nga tăng cường các cuộc tấn công mạng vào Ukraine cùng với một cuộc xâm lược quân sự, các chính phủ ở cả hai bờ Đại Tây Dương lo ngại tình hình có thể lan sang các nước khác, trở thành một cuộc chiến tranh mạng toàn cầu, theo CNBC.
Nga đã bị quy trách nhiệm về một số cuộc tấn công mạng nhằm vào chính phủ và hệ thống ngân hàng của Ukraine trong những tuần gần đây. Hôm thứ Năm, công ty an ninh mạng ESET đã phát hiện ra phần mềm độc hại mới nhắm mục tiêu vào các tổ chức Ukraine. Phần mềm này nhằm mục đích xóa dữ liệu khỏi hệ thống mà nó nhắm mục tiêu.
Trước đó, trang web của một số cơ quan chính phủ và ngân hàng Ukraine đã bị đánh sập bởi một cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) phân tán. Các tin tặc truy cập nhiều một cách bất thường vào một trang web cho đến khi nó bị sập.
Các sự kiện này xảy ra sau một cuộc tấn công riêng biệt vào tuần trước, đánh sập 4 trang web của chính phủ Ukraine, mà các quan chức Mỹ và Anh cho là thuộc GRU, cơ quan tình báo quân sự của Nga.
Người dân Ukraine được cho là cũng nhận được tin nhắn giả cho biết các máy ATM ở nước này không hoạt động. Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng đây có thể là một chiến thuật nhằm hù dọa từ phía Nga.
Về phần mình, Nga cho biết "chưa bao giờ tiến hành và không tiến hành bất kỳ hoạt động độc hại nào trong không gian mạng".
Dù vậy, các cuộc tấn công mạng này khiến nhiều bên lo ngại về một cuộc xung đột an ninh mạng diện rộng. Chính phủ nhiều nước phương Tây đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công mạng từ Nga và đã lên kế hoạch đối phó.
Giới quan chức ở cả Mỹ và Anh đang cảnh báo các doanh nghiệp của họ cảnh giác với hoạt động đáng ngờ từ Nga trên mạng. Trong khi đó, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cuối tuần qua cho biết các quốc gia châu Âu nên "nhận thức được tình hình an ninh mạng ở quốc gia của mình".
Trang NBC News đưa tin Tổng thống Joe Biden đã được các chuyên gia trình bày những phương án để Mỹ thực hiện các cuộc tấn công mạng vào Nga nhằm làm gián đoạn kết nối internet và ngắt điện của nước này. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã bác bỏ và nói rằng thông tin Mỹ có ý định tấn công mạng vào Nga "hoàn toàn không có cơ sở".
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu an ninh mạng cho biết nguy cơ về một cuộc xung đột trực tuyến giữa Nga và các nước phương Tây là có cơ sở, mặc dù mức độ nghiêm trọng chưa được đánh giá.
John Hultquist, Phó chủ tịch công ty công nghệ Mandiant có trụ sở tại Mỹ cho biết: "Tôi nghĩ một cuộc chiến trên mạng rất có thể xảy ra, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải phản ánh thực tế của chiến tranh mạng. Mọi người có thể dễ dàng nghe thấy thuật ngữ đó và so sánh nó với chiến tranh thực sự. Dù vậy, thực tế không đơn giản và mọi thứ có thể đảo lộn".
Nguy cơ chiến tranh mạng lan rộng
Toby Lewis, lãnh đạo công ty an ninh mạng Darktrace có trụ sở tại Anh cho biết các cuộc tấn công cho đến nay chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Symantec cho biết phần mềm độc hại được phát hiện ở Ukraine cũng ảnh hưởng đến Latvia và Lithuania, ám chỉ sự lan rộng của một cuộc chiến trên internet.
Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, bao gồm Lithuania, Croatia và Ba Lan, đang hỗ trợ Ukraine với việc thành lập một nhóm phản ứng nhanh trên không gian mạng.
"Từ lâu, chúng tôi đã đưa ra giả thuyết rằng các cuộc tấn công mạng sẽ là một trong những vũ khí tấn công của các quốc gia trong thời đại mới", Hitesh Sheth, Giám đốc điều hành của Vectra AI chia sẻ trên. Ông dự đoán Nga có thể tiến hành các cuộc tấn công mạng để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Nga từ lâu đã bị chính phủ nhiều nước cùng các nhà nghiên cứu an ninh mạng cáo buộc tiến hành các cuộc tấn công mạng và các chiến dịch đưa thông tin sai lệch trên internet.
Giờ đây, các chuyên gia cho rằng Nga có thể tung ra nhiều hình thức tấn công mạng tinh vi hơn, nhắm vào Ukraine và có thể cả các nước khác.
Năm 2017, một phần mềm độc hại có tên là NotPetya đã lây nhiễm cho các máy tính trên khắp thế giới. Ban đầu nó nhắm mục tiêu vào các tổ chức của Ukraine, nhưng sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, ảnh hưởng đến các tập đoàn lớn như Maersk, WPP và Merck. Các cuộc tấn công được đổ lỗi cho Sandworm, đơn vị tấn công của GRU, và gây ra tổng thiệt hại lên tới 10 tỷ USD.
Ông Hultquist nói trên CNBC: "Nếu Nga thực sự tập trung những loại hoạt động này chống lại phương Tây, thì điều đó có thể gây ra những hậu quả kinh tế rất lớn". Ông nói thêm rằng Nga đã đào sâu vào cơ sở hạ tầng ở các nước phương Tây như Mỹ, Anh và Đức trong một thời gian dài và đã bị "bắt quả tang" nhiều lần.
"Câu hỏi bây giờ là đây có phải là tình huống mà họ đã chuẩn bị? Đây có phải là ngưỡng mà họ đã chờ đợi để bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công internet hay không? Rõ ràng là chúng tôi lo ngại rằng điều này có thể xảy ra", ông nhấn mạnh.
Năm ngoái, Colonial Pipeline, một hệ thống đường ống dẫn dầu của Mỹ đã bị tấn công bởi ransomware làm mất cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng. Chính quyền ông Biden nói rằng họ không tin rằng Moscow đứng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, DarkSide, nhóm hacker chịu trách nhiệm, được cho là có trụ sở tại Nga.