Liên tiếp giao hệ thống internet vệ tinh Starlink tới vùng chiến sự, tỷ phú Elon Musk được ví như 'người thay đổi cuộc chiến' Nga - Ukraine
Tỷ phú Elon Musk đang tự đưa bản thân vào cuộc xung đột Nga – Ukraine bằng cách tăng cường kết nối internet giữa Ukraine và thế giới bên ngoài, theo Mercury News.
Tăng cường hệ thống internet vệ tinh Starlink tại Ukraine
Ngày 9/3, các xe tải của SpaceX đã giao chuyến hàng thứ hai gồm các thiết bị đầu cuối kết nối internet Starlink dựa trên vệ tinh tới Ukraine, đáp lại lời yêu cầu từ phó thủ tướng của quốc gia này. Chuyến hàng đầu tiên đã tới Ukraine ngày 28/2, chỉ 4 ngày sau khi lực lượng Nga tiến hành một cuộc tấn công vào quốc gia này.
Hệ thống của Elon Musk thu thập dữ liệu từ không gian, và do đó, không giống như các mạng trên đất liền, nó ít bị tấn công hoặc kiểm soát hơn. Hành động của Elon Musk dường như khiến các quan chức Nga tức giận.
"Đây là "phương Tây" mà chúng ta không bao giờ nên tin tưởng. Khi Nga thực hiện các lợi ích quốc gia cao nhất của mình trên lãnh thổ Ukraine, Elon Musk xuất hiện cùng với Starlink, thứ mà trước đây ông ta tuyên bố dùng mục đích dân sự", Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ của Nga trả lời một kênh truyền hình nhà nước.
Ngoài ra, những vấn đề khác cũng xuất hiện. John Scott-Railton, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Toronto's The Citizen Lab cảnh báo việc sử dụng Starlink có khả năng gây nguy hiểm vì quân đội Nga có thể phát hiện và nhận dạng công dân bằng liên lạc vệ tinh của họ.
Chính tỷ phú Elon Musk đã lên Twitter để đưa ra lời khuyên chiến lược cho các lãnh đạo Ukraine, hướng dẫn người dùng "đặt ngụy trang nhẹ trên ăng ten để tránh bị phát hiện bằng mắt" và "chỉ bật Starlink khi cần và đặt ăng ten càng xa người dân càng tốt".
Trong khi đó, công ty của ông đã phóng 48 vệ tinh khác lên quỹ đạo vào ngày 9/4 như một phần của nỗ lực phát triển nhằm đưa internet tốc độ cao lên bầu trời châu Âu.
Tự đưa mình vào cuộc xung đột Nga - Ukraine
Tỷ phú Elon Musk, nhà đồng sáng lập các công ty PayPal, Tesla, SpaceX và những công ty khác, chưa bao giờ là một ông trùm công nghệ điển hình. Trong khi những người khác lạnh lùng và tách biệt, ông lại thích phô trương. CEO Tesla được biết tới là người có nhiều ý tưởng kỳ quặc, chẳng hạn như đề xuất đưa khách du lịch bay vòng quanh mặt trăng, xây thành phố trên sao Hỏa và triển khai một tàu ngầm thu nhỏ để giải cứu các cầu thủ bóng đá Thái Lan bị mắc kẹt trong một hang động.
Theo các chuyên gia, nếu Nga phá hủy các mạng internet của Ukraine hoặc cố gắng ngăn chặn truyền thông kỹ thuật số của nước này, hệ thống mở rộng dịch vụ internet dựa trên vệ tinh của Elon Musk có thể giúp duy trì liên lạc của quốc gia này với thế giới bên ngoài.
Ở các nước diễn ra chiến sự, "Elon Musk giống như một người thay đổi cuộc chơi, bởi vì giờ đây bạn có cách vượt qua bất kỳ sự kiểm soát tập trung nào đối với những gì công dân có thể nhận được. Sự kiểm duyệt của chính phủ qua internet không còn hiệu quả nữa", Herbert Lin, một học giả nghiên cứu cao cấp về chính sách mạng và an ninh tại Trung tâm An ninh Quốc tế của Đại học Stanford chia sẻ.
Larry Press, giáo sư hệ thống thông tin tại Đại học Bang California cho biết: "Vệ tinh của Starlink là những công cụ có giá trị để liên lạc với các nhà lãnh đạo chính trị cùng các nhà báo trong trường hợp họ không thể truy cập internet một cách an toàn hoặc internet bị chặn".
Ukraine đã đáp lại bằng lòng biết ơn. "Starlink giúp các thành phố của chúng tôi luôn được kết nối và các dịch vụ khẩn cấp cứu sống nhiều người luôn trong trạng thái sẵn sàng", Phó thủ tướng Mykhailo Fedorov cho biết.
Theo Emile Aben, chuyên gia hệ thống cứu tại RIPE NCC có trụ sở tại Amsterdam, cho đến nay, internet của Ukraine, với Starlink làm phương tiện dự phòng, phần lớn vẫn đang hoạt động ổn định.
Có một số lý do giải thích cho khả năng phục hồi của internet tại Ukraine. Không có doanh nghiệp nào thống trị thị trường internet tại quốc gia này, vì vậy sự thất bại của một hệ thống riêng lẻ không làm cho toàn bộ mạng lưới bị ảnh hưởng. Các mạng lưới internet Starlink được điều hành bởi các công ty Ukraine, do đó không bị chính phủ kiểm soát. Cuối cùng, các công nhân kỹ thuật của đã rất dũng cảm trong việc sửa chữa giữa lúc xảy ra chiến sự.
Công nghệ internet vệ tinh - vũ khí công nghệ trong vùng chiến sự
Công nghệ internet vệ tinh từ lâu đã là một phương thức đầy hứa hẹn nhưng bị thổi phồng quá mức để cung cấp dịch vụ thông qua mạng lưới 2.000 vệ tinh nhỏ trên bầu trời. Ở Mỹ, internet vệ tinh là nhà cung cấp giải pháp cuối cùng, vì nó đắt và dữ liệu được giới hạn nghiêm ngặt hơn.
Công ty tên lửa SpaceX của Elon Musk, đơn vị đang xây dựng Starlink, là công ty tiên phong trong lĩnh vực này. Amazon, Boeing, OneWeb, Telesat và các công ty khác có thể sớm tạo ra mạng lưới internet vệ tinh của riêng họ.
Những chuyến hàng nhanh chóng của Starlink tới Ukraine diễn ra một cách tình cờ. Trở lại vào tháng Giêng, khi Ukraine vẫn còn là một quốc gia hòa bình, công ty của tỷ phú Elon Musk muốn đưa đất nước này vào danh mục đầu tư tại thị trường châu Âu của mình, theo COO SpaceX Gwynne Shotwell.
Để tăng tốc độ giao hàng, hàng trăm đơn vị Starlink đã được các tình nguyện viên tại Đức cùng nhóm Dịch vụ của Giga Berlin kiểm tra, đóng gói và vận chuyển, theo một email bị rò rỉ của Tesla. Một lô hàng bộ lưu trữ pin Powerwall để hỗ trợ các thiết bị đầu cuối, đã được lắp ráp bởi các nhân viên Tesla Energy ở Đức.
Shotwell cho biết: "Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để duy trì các nền dân chủ là đảm bảo rằng tất cả chúng ta đều hiểu sự thật là gì".
Tỷ phú Elon Musk không tiết lộ số lượng thiết bị đầu cuối mà ông đã giao, hoặc chúng sẽ đi đâu. Hệ thống của ông sẽ không giúp người Ukraine chia sẻ thông tin trong nội bộ. Vì vậy, họ vẫn cần mạng cục bộ. Tuy nhiên, các thiết bị đầu cuối của Elon Musk có thể giúp họ liên lạc với nhau và chia sẻ với thế giới.
Đáp lại những lời chỉ trích của Nga, Elon Musk trả lời: "Internet dân sự của Ukraine đang gặp sự cố kỳ lạ - có lẽ vì thời tiết xấu? Vì vậy SpaceX đang giúp sửa chữa nó".
Ảnh chụp nhanh cho thấy có từ 7 đến 10 vệ tinh Starlink đang hoạt động tại các thành phố Odessa và Lviv và từ 2 đến 6 ở thành phố Kharkiv, dựa trên phân tích hệ thống theo dõi của CSU's Press.
Cũng theo Press, nếu Kyiv được cung cấp các thiết bị đầu cuối, nó sẽ có 100% "thời gian hoạt động" với các kết nối thông qua 9 vệ tinh tới các trạm mặt đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Lithuania.
Tại thành phố Mariupol, nơi đang bị bao vây và không có nước, khí đốt hoặc điện, internet đã ngừng hoạt động kể từ ngày 2/3. Để đối phó với cuộc khủng hoảng, công ty đã thực hiện một bản cập nhật phần mềm nhằm giảm nhu cầu sử dụng điện của các thiết bị đầu cuối. Trong trường hợp điện bị cắt, chúng có thể được cung cấp năng lượng bằng bộ phận đánh lửa trên ô tô.
Sự hiện diện của Starlink ở Ukraine đang cho thấy vai trò của internet dựa trên vệ tinh trong các khu vực xung đột, các quan chức Mỹ cho biết. Trong phiên điều trần ngày 9/3 của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện ở Washington, D.C., Thượng nghị sĩ Tim Kaine đã gọi động thái của tỷ phú Elon Musk là "tin tích cực".
Nếu người Nga tiếp quản mạng của Ukraine, quốc gia này có thể mất quyền truy cập vào các trang web rộng lớn hơn. Tuy nhiên, sự kiểm soát của Nga sẽ mất nhiều thời gian vì có hệ thống internet vệ tinh Starlink, theo học giả Hebert Lin.