|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Elon Musk lo ngại Starlink sẽ trở thành mục tiêu mới của Nga tại Ukraine

16:45 | 04/03/2022
Chia sẻ
Starlink hiện là hệ thống liên lạc duy nhất không phải của Nga đang hoạt động tại Ukraine, và điều này khiến tỷ phú Elon Musk lo ngại hệ thống này sẽ là mục tiêu mới trong cuộc chiến.

Giám đốc điều hành SpaceX và Tesla, tỷ phú Elon Musk hôm thứ Năm vừa qua đã cảnh báo rằng dịch vụ internet vệ tinh Starlink của công ty có thể bị nhắm mục tiêu ở Ukraine trong bối cảnh xảy ra xung đột với Nga, theo Fox Business.

"Cảnh báo quan trọng: Starlink là hệ thống liên lạc duy nhất không phải của Nga vẫn đang hoạt động ở một số vùng tại Ukraine. Vì vậy, khả năng Starlink bị nhắm mục tiêu là rất cao. Mọi người hãy sử dụng một cách thận trọng", tỷ phú Elon Musk đăng tải trên trang Twitter.

Bên cạnh đó, tỷ phú người Nam Phi khuyên người dùng chỉ nên bật Starlink khi cần thiết và nếu có thể, nên đặt ăng-ten càng xa khu dân cư càng tốt. Ông cũng khuyến nghị người dùng nên ngụy trang nhẹ cho chiếc trên ăng-ten để "tránh bị phát hiện bằng mắt".

Elon Musk lo ngại Starlink sẽ trở thành mục tiêu mới của Nga tại Ukraine - Ảnh 1.

Tỷ phú Elon Musk lo ngại Starlink sẽ trở thành mục tiêu mới trong cuộc chiến tại Ukraine. (Ảnh: The Richest).

Thông báo trên Twitter của Elon Musk được đưa ra để đáp lại lời kêu gọi của Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov, người đã yêu cầu CEO SpaceX cung cấp cho Ukraine các trạm Starlink.

Starlink là một mạng lưới gồm khoảng 2.000 vệ tinh trên quỹ đạo thấp của trái đất, chuyên cung cấp internet băng thông rộng tốc độ cao bằng cách kết nối với các thiết bị đầu cuối của người dùng trên mặt đất. Ukraine đã trải qua tình trạng mất mạng định kỳ trong tuần trước khi các lực lượng Nga đổ bộ vào từ phía bắc, phía nam và phía đông, theo công ty giám sát internet NetBlocks.

Các nhóm hacker Nga cũng tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào chính phủ Ukraine và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong khi đó, Starlink không dựa vào cơ sở hạ tầng internet mặt đất truyền thống. Vì vậy, các thiết bị này có thể trở thành dịch vụ internet lý tưởng trong các vùng xảy ra chiến sự.

Tuy nhiên, Elon Musk chia sẻ trên Twitter rằng hệ thống Starlink có thể đối mặt với một cuộc tấn công mạng của Nga, vì các cơ sở hạ tầng internet khác, như Viasat Ukraine, đã bị đánh sập bởi các cuộc tấn công mạng từ phía Nga.

"Phần lớn thiết bị đầu cuối của người dùng Viasat Ukraine đã vĩnh viễn không thể sử dụng được bởi một cuộc tấn công mạng của Nga vào ngày nổ ra chiến sự. Vì vậy, có khả năng Starlink sẽ bị nhắm đến. Trò chơi sẽ được tiếp tục", tỷ phú Elon Musk trả lời khi được hỏi liệu hệ thống của ông có thể đối mặt với một mối đe dọa an ninh mạng hay không.

Đầu tuần này, Ukraine cho biết họ đã nhận được một lô hàng gồm các thiết bị đầu cuối internet vệ tinh Starlink được tặng. Ông Fedorov đã đăng tải dòng tweet có một bức ảnh về một đoàn xe tải ở các nhà ga vào khoảng 10 giờ tối 27/2, theo giờ Ukraine, xác nhận rằng đơn vị vận chuyển Starlink đã đến.

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu bảo mật internet cảnh báo hệ thống Starlink có thể trở thành "đèn tín hiệu" cho người Nga.

"Nếu Nga kiểm soát không phận phía trên Ukraine, đường truyền của người dùng Starlink sẽ trở thành đèn tín hiệu cho các cuộc không kích. Nga có kinh nghiệm lâu năm trong việc tấn công đối thủ bằng cách nhắm mục tiêu vào vệ tinh liên lạc của họ", John Scott-Railton, nhà nghiên cứu cấp cao tại dự án Phòng thí nghiệm Citizen của Đại học Toronto chia sẻ.

Ngày 3/3, SpaceX đã phóng thành công 47 vệ tinh Starlink để bổ sung vào dịch vụ internet băng thông rộng trên không gian. Theo đó, một tên lửa Falcon 9 hai tầng mang theo các vệ tinh đã được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida lúc 9h35 sáng cùng ngày.

Quốc Anh