Luẩn quẩn hồi sinh các dự án 'đắp chiếu'
Tiền trảm hậu tấu, dự án muối mỏ nghìn tỷ 'đắp chiếu' |
Tuy nhiên, căn cứ vào những thông tin sơ bộ mà ban giám đốc nhà máy cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thì có thể thấy sự hồi sinh và hoạt động của nhà máy cũng chỉ tương tự như việc duy trì sự sống của một bệnh nhân bằng các ống truyền dẫn oxy và dinh dưỡng mà nếu rút ra thì bệnh nhân sẽ không thể tự thở, tự sống được.
ảnh minh họa |
Cụ thể, giá bán đạm urê của nhà máy hiện là 6-6,3 triệu đồng/tấn, chỉ cao hơn chi phí biến đổi, là những khoản chi phí thay đổi theo quy mô sản xuất hoặc doanh số, khoảng 0,5 triệu đồng/tấn (tức là chỉ cao hơn khoảng 9% chi phí biến đổi)(1). Lưu ý thêm rằng để hòa vốn thì ngoài chi phí biến đổi, còn cần phải tính thêm vào đó chi phí cố định phân bổ trên một đơn vị sản phẩm bán ra, gồm các loại chi phí như tiền thuê đất, thuế tài sản, bảo hiểm, trả lãi và gốc vay (ví dụ như các khoản đầu tư ban đầu), khấu hao tài sản cố định, tiền lương nhân viên và cán bộ quản lý, chi phí quảng cáo, đào tạo... Nếu cộng đủ tất cả các loại phí cố định này (dù có cắt giảm những hạng mục như quảng cáo, đào tạo) thì chắc là nhà máy hoạt động khó có hiệu quả, dù ở đây chúng ta không thể tính toán bài toán lỗ lãi một cách chi tiết vì không có số liệu.
Đó là chưa kể là nhà máy lại phải tiếp tục phụ thuộc hoàn toàn vào tiền vay khách hàng và ngân hàng để có nguồn vốn lưu động mua vật tư và chi trả các khoản “đặng chẳng đừng” như đại tu một số bộ phận dây chuyền, máy móc (mới hoạt động sao đã đại tu?). Theo ban giám đốc, nhà máy cần vay 350 tỉ đồng để duy trì sản xuất. Nếu giả sử có ngân hàng nào đó, dưới áp lực của các cơ quan chức năng, chấp nhận mạo hiểm cho nhà máy vay số tiền này thì tiền trả lãi vay sẽ càng làm tăng gánh nặng tài chính.
Trong bối cảnh triển vọng mờ mịt của nhà máy, Bộ Công Thương vẫn hạ quyết tâm không để nhà máy ngừng hoạt động(2). Lý do được đưa ra chủ yếu là những yếu tố phi thị trường như sợ làm tổn thương truyền thống tự hào của cán bộ, công nhân viên, của ngành công thương, của người dân, của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình...
Tuy nhiên, giải pháp (nhiệm vụ) mà Bộ Công Thương chỉ ra cho nhà máy thực hiện chủ yếu chỉ là giải pháp khắc phục các tồn tại về mặt kỹ thuật như phải làm chủ công nghệ, vận hành an toàn, tránh để xảy ra sự cố như sự cố đóng máy kỹ thuật trước Tết (tức là cho đến thời điểm này vẫn chưa làm chủ được công nghệ và vận hành thông suốt?), hướng tới nâng phụ tải công suất lên trên 80%...
Việc tập trung vào giải pháp kỹ thuật, nâng sản lượng tuy sẽ giúp hạ giá thành sản xuất (chủ yếu do hạ chi phí cố định tính trên một đơn vị sản phẩm) nhưng chắc chắn vẫn không thể giúp nhà máy thoát được tình trạng khó khăn, bởi chỉ riêng phí biến đổi đã chiếm trên 90% giá bán, và ngay cả Bộ Công Thương cũng phải chỉ ra rằng giá thành khi vận hành từ than đến đạm chỉ lãi khoảng 400.000-500.000 đồng/tấn urê, chưa trừ các chi phí như lãi suất ngân hàng, nhân công... tức là một con số quá nhỏ, quá mong manh, tương tự như khi so sánh giữa giá bán với chi phí cố định và biến đổi phân tích ở trên.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý rằng để làm chủ công nghệ, hoạt động trơn tru thì nhà máy vẫn phải tiêu tốn thêm nhiều tiền để đại tu, thay máy móc mới, thiết bị và đào tạo nhân công... như một phần trong gói vay vốn 350 tỉ đồng mà nhà máy đang đề nghị Bộ Công Thương “có ý kiến hỗ trợ” nêu trên. Như vậy, phương án xử lý, phục hồi nhà máy này vẫn vấp phải vòng luẩn quẩn chi phí và hiệu quả sản xuất.
Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này thì cần thiết Chính phủ phải tiếp tục rót vốn (lưu động) hoặc bảo lãnh vay vốn cho nhà máy với hy vọng mong manh rằng nhà máy sau đó sẽ tự đứng vững và duy trì sản xuất được (chưa tính đến chuyện có lãi và trả được nợ vay lãi và gốc). Nhưng mặt khác, Chính phủ đã có chủ trương không dùng ngân sách để xử lý các dự án thua lỗ này, cũng như Bộ Công Thương đã nhấn mạnh rằng nhà máy “phải tự cứu mình”. Như vậy, quả bóng nay lại nằm trong chân của ban giám đốc Nhà máy Đạm Ninh Bình, ít nhất là trên danh nghĩa, trong khi giải pháp khả thi duy nhất mà ban giám đốc này có thể nghĩ ra và đề xuất là phải có tiền (tiếp tục được vay vốn).
Sự “bùng nhùng” nói trên một lần nữa cho thấy việc xử lý các dự án thua lỗ, “đắp chiếu” không nên, không chỉ dừng lại ở việc dùng nỗ lực với “quyết tâm chính trị” để làm vực dậy những “xác sống” vốn đã sai (và trở nên tệ hại hơn bởi nạn tham nhũng) ngay từ khâu thiết kế đến xây dựng và vận hành, không thể tồn tại một cách bình thường và lành mạnh trong môi trường cạnh tranh của kinh tế thị trường. Để tránh khả năng những “xác sống” này tiếp tục hút cạn nguồn lực của nhà nước thì phải dũng cảm xóa bỏ chúng nếu cần thiết.