|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiền trảm hậu tấu, dự án muối mỏ nghìn tỷ 'đắp chiếu'

09:32 | 31/01/2018
Chia sẻ
Dự án muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), đang phải tạm “đắp chiếu” sau khi tập đoàn này đã rót hơn một nghìn tỷ đồng. Ngoài việc từng bị Bộ Tài chính đánh giá là dự án không hiệu quả, sai quy định và trái quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, dự án này cũng có một số bước được Vinachem thực hiện kiểu “tiền trảm hậu tấu”.
tien tram hau tau du an muoi mo nghin ty dap chieu
Bảng thông báo về dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào của Vinachem.

Lại kêu lên Chính phủ

Thông tin từ lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo xung quanh việc tạm dừng dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào với vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng do vướng nhiều quy định khác nhau. Dự án này tạm “đắp chiếu” vì phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Cũng chia sẻ tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Vinachem cách đây ít ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dự án muối mỏ Kali của Vinachem tại huyện Nongbok (tỉnh Khammouan, Lào) đang được xếp vào danh sách dự án thứ 13 của ngành Công Thương thua lỗ, kém hiệu quả với vốn đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng. Cùng với hậu quả mà 4 dự án thua lỗ ngành hóa chất để lại, việc xử lý dự án muối mỏ này đang có nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.

Được biết, dự án được Vinachem khởi công xây dựng vào tháng 9/2015, với mục đích cung cấp phân bón kali cho Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu. Dự án có phạm vi khai thác 10 km2 với thời gian xây dựng dự kiến trong 5 năm, công suất khai thác 320.000 tấn/năm. Theo kế hoạch, dự án khai thác vào năm 2020 với công suất đạt 1 triệu tấn/năm.

Điểm đặc biệt: dự án có tổng mức đầu tư 522 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng), trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD. Các ngân hàng tham gia tài trợ thu xếp vốn bao gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 113 triệu USD (đã ký hợp đồng tín dụng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 161 triệu USD và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) 143 triệu USD. Dự án cũng được ghi trong hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Lào.

Tuy nhiên, chỉ gần 2 năm sau khi triển khai dự án đã có nhiều “vấn đề”. Để “cứu” dự án và số tiền hơn 1.400 tỷ đồng đã rót vào dự án, đến năm 2017, lãnh đạo Vinachem đã phải kiến nghị Thủ tướng cho thực hiện nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó có giải ngân thanh toán cho phần khối lượng nhà thầu đã thực hiện khi dự án chưa có bảo lãnh Chính phủ.

Nhà thầu điêu đứng

Liên quan dự án này, trong một báo cáo vào cuối năm 2017, lãnh đạo Vinachem cho biết, đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư xây dựng dự án với mức vốn đầu tư tăng tương đối nhiều. Theo đó, dự án trọng điểm muối mỏ tại Lào sẽ được rót tổng cộng 1.407 tỷ đồng.

Bản báo cáo cũng cho thấy, năm 2016, dự án đã triển khai với giá trị thực hiện lên tới 1.277 tỷ đồng. Nhiều gói thầu của dự án đã đạt tiến độ đề ra như: Gói thầu số 4 thi công tuyến đường ngoài nhà máy; Gói thầu số 9 tư vấn quản lý dự án.

Đáng chú ý, gói thầu số 10 EPC về “Thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây lắp, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chạy thử, khởi động, nghiệm thu và bàn giao nhà máy khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào” thuộc dự án khai thác và chế biến muối mỏ vừa được ký kết giữa Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào (Vilachemsalt) thuộc Vinachem và nhà thầu liên danh TTCL-K-UTEC-CECO đến cuối năm 2016 đã thực hiện được khoảng 23,4% tổng khối lượng công việc. Trong đó, đã hoàn thành 73% khối lượng công tác thiết kế, 27,6% khối lượng công tác mua sắm và hoàn thành công tác san nền. Các gói thầu liên quan thi công xây lắp công trình trạm biến áp và đường dây tải điện cũng như các gói thầu khảo sát, thiết kế công trình phụ trợ cũng được đánh giá đảm bảo tiến độ đề ra.

“Trong thời gian qua, tiến độ dự án đã bị ảnh hưởng bởi những vướng mắc, tồn đọng trong thiết kế, giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư đã và đang phối hợp cùng nhà thầu EPC, nhà thầu PMC giải quyết những vấn đề tồn tại, đẩy nhanh việc phê duyệt tài liệu thiết kế kỹ thuật và các thay đổi thiết kế”, lãnh đạo Vinachem cho hay.

Tuy nhiên, sau khi được rầm rộ triển khai năm 2015, dự án muối mỏ Kali của Vinachem bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề về vốn cũng như công nghệ, thiết kế, thi công… Ngày 27/6/2017, nhà thầu TTCL (Thái Lan) trong liên doanh đã có công văn gửi ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Vinachem và ông Nguyễn Huy Cương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt – Lào (Vinachemsalt), chủ đầu tư dự án Khai thác và Chế biến muối mỏ về việc chủ đầu tư dự án là Vinachemsalt liên tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng đã ký. Theo công văn này, TTCL ngày 23/5/2017 đã có công văn yêu cầu thanh toán cho phần tiến độ thi công của công ty trong 5 tháng cuối năm 2016 chưa được thanh toán cũng như quyền đòi bồi thường cho các khoản tài chính mà nhà thầu bị thanh toán chậm.

Công văn cũng cho thấy, dù nhà thầu có ý kiến bằng văn bản chính thức nhưng Vinachemsalt không phản hồi công văn của TTCL cũng như không tiến hành thanh toán cho nhà thầu theo quy định. Trong văn bản gửi đi, nhà thầu Thái Lan cũng yêu cầu chủ đầu tư thanh toán cho các tháng thi công thứ 13 đến tháng 17 theo tiến độ. Nếu quá thời hạn thanh toán, TTCL sẽ đưa vụ việc ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Sự việc được đẩy lên cao trào và ông Nguyễn Gia Tường đã phải ra công văn chỉ đạo Vinachemsalt phát hành thông báo tạm ngừng công việc đối với nhà thầu EPC và tạm ngừng hợp đồng đối với nhà thầu PMC thuộc dự án khai thác muối mỏ.

Năm 2017, nhà thầu phụ cung cấp 2.600 tấn thép cho dự án của Vinachem là Công ty CP Lilama 69-1 cũng xác nhận, chủ đầu tư dự án đã tạm dừng thi công dự án.

Làm trái chỉ đạo, che giấu tài chính?

Liên quan tình hình tài chính của Vinachem và một số đơn vị thành viên, hồi cuối tháng 6/2017, Bộ Tài chính đã có một bản báo cáo dài 9 trang do Thứ trưởng Trần Xuân Hà ký gửi Thủ tướng Chính phủ cảnh báo về những hoạt động đầu tư cũng như trách nhiệm trả nợ của Vinachem. Trong văn bản này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, trước đó Vinachem và Công ty Đạm Ninh Bình đã có báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương về tình hình tài chính và đề nghị đề xuất được khoanh nợ cho Dự án Đạm Ninh Bình. Tuy nhiên, các báo cáo không đầy đủ và Bộ Tài chính phải thông qua một đơn vị khác để “cập nhật” tình hình tài chính của đơn vị này.

Bản báo cáo cho thấy, năm 2016, tổng tài sản của Vinachem giảm 1,68% so với năm 2015. Khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng nhiều nhất, tăng tới 1.558 tỷ đồng, chủ yếu do đầu tư Dự án thăm dò khai thác chế biến muối mỏ tại Lào với số tiền khoảng 1.200 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2016 của tập đoàn bị lỗ 895 tỷ đồng. Các chỉ tiêu sinh lời năm 2016 sụt giảm so với 2015 và bị âm. Việc Vinachem vẫn tham gia góp vốn tại gần 40 đơn vị doanh nghiệp và tiếp tục triển khai đầu tư dài hạn mới vào dự án muối mỏ Kali tại Lào sẽ dẫn tới sức ép về tài chính.

“Việc Vinachem vẫn tiếp tục đầu tư dài hạn Dự án muối mỏ Kali tại Lào trong khi tình hình tài chính không khả quan, dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền đảm bảo trả nợ cho dự án Đạm Ninh Bình, không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 là “chỉ vay trong khả năng trả nợ”.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, việc ban lãnh đạo Vinachem, cụ thể là Hội đồng Thành viên và Ban tổng giám đốc Vinachem cố tình triển khai đầu tư dài hạn vào dự án muối mỏ Kali tại Lào trái với chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao trong bối cảnh tình hình tài chính không thuận lợi là không chấp nhận được và cần xem xét xử lý theo đúng quy định.

Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào được xếp là dự án trọng điểm của Vinachem với tổng mức đầu tư 522,5 triệu USD, tương đương 10.900 tỷ đồng. Dự án còn phải tính thêm 307,6 tỷ đồng chi phí thăm dò đánh giá trữ lượng của mỏ. Tháng 8/2015, Vinachem đã ký hợp đồng EPC thi công với liên danh TTCL – K.UTEC – CECO với tổng giá trị hợp đồng 334 triệu USD, thời gian thi công 40 tháng. Ngày 13/9/2015, dự án được khởi công và chỉ hơn 1 năm sau đó rơi vào cảnh khó khăn do Vinachem bị thiếu vốn để triển khai.

Phạm Tuyên

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.