|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lộn xộn chuyện room ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Bài 1): Té ngửa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinaconex

18:10 | 13/11/2018
Chia sẻ
Cuối tuần qua, thị trường xôn xao thông tin tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room) tại Vinaconex (VCG) theo quy định pháp luật là 0%. Trong khi lâu nay thị trường và cả Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vẫn cho rằng room VCG là 49%.
lon xon chuyen room ngoai tren thi truong chung khoan viet nam bai 1 te ngua ty le so huu nuoc ngoai tai vinaconex
Nguồn: Đầu tư chứng khoán

Bài 1: Té ngửa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinaconex

Theo công bố thông tin trên bảng điện tử của HNX, tính đến thời điểm ngày 30/10/2018, room nhà đầu tư nước ngoài của VCG vẫn còn 168.395.551 cổ phần, tương đương 38,12%. Hiện nhà đầu tư nước ngoài sở hữu gần 11% cổ phần Vinaconex. Room do HNX công bố được tính trên cơ sở tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được phép trừ đi số lượng cổ phần nhà đầu tư nước ngoài sở hữu.

Việc “xé room” tại Vinaconex được phát hiện khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Viettel công bố thực hiện việc thoái hơn 75% vốn tại Vinaconex vào ngày 22/11 tới. Qua rà soát lại toàn bộ các quy định hiện hành và Công văn số 7251/UBCKNN-PTTT ngày 8/11/2018 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về việc thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Vinaconex, SCIC đã công bố room tại Vinaconex là 0%.

Chuyện room tại Vinaconex cũng đã được Báo Đầu tư Chứng khoán nêu ra từ khi SCIC bắt đầu công bố thông tin về đợt thoái vốn. Do cần phải tra soát nên trong bản công bố thông tin, SCIC và Viettel đều ghi rằng: "Vinaconex là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề nên SCIC khuyến cáo các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu kỹ quy định pháp luật Việt Nam về giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp".

Tại sao lại có sự tréo ngoe như vậy? Theo công văn của Vinaconex gửi UBCK, doanh nghiệp này có tới 5 ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần theo quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6 2015 của Chính phủ và phụ lục 4 trong Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành.

Cụ thể, 5 ngành nghề đó bao gồm: xuất khẩu lao động; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn; kinh doanh điện thương phẩm; mua bán rượu bia thuốc lá; kinh doanh xăng dầu. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu cổ phần tại Vinaconex.

Với diễn biến này, băn khoăn gần đây về việc nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tham gia đợt thoái vốn cả lô của SCIC và Viettel hay không đã được giải đáp.

Tất nhiên, không tính đến những trường hợp “đi vòng” bằng cách thành lập một pháp nhân tại Việt Nam rồi để pháp nhân đó đứng ra mua trọn lô cổ phần như trường hợp nhà đầu tư Thái Lan tham gia thương vụ mua cổ phần tại Sabeco đầu năm nay.

Vấn đề lớn hơn đặt ra qua trường hợp này là có hay không tình trạng lộn xộn trong việc thực hiện công bố thông tin cũng như chốt room của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam hiện nay.

Trong công văn trả lời về việc hướng dẫn thủ tục xin chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Vinaconex, UBCK cho biết, việc chốt "room" ngoại là trách nhiệm của Vinaconex và phải báo cáo UBCK.

Theo các quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 123/2015/TT-BTC, Vinaconex có trách nhiệm tự rà soát ngành nghề kinh doanh, xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và báo cáo UBCK.

Sau khi xác định được tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và được UBCK xác nhận, Vinaconex thực hiện công bố ra công chúng.

Lâu nay, Vinaconex chưa thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định tại Thông tư 123/2015/TT-BTC và nhà đầu tư nước ngoài đã xé room mua vào cổ phiếu VCG và hiện đang sở hữu 10,88% cổ phần tại Vinaconex.

Dường như khá ấm ức về câu chuyện này, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex cho rằng, doanh nghiệp lâu nay không hề biết việc phải tự rà soát, báo cáo và công bố về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp. Đợt rà soát này được thực hiện là do liên quan đến các thủ tục thoái vốn của SCIC.

Chuyện nhà đầu tư nước ngoài vô tình phạm luật cũng không thể quy trách nhiệm cho Vinaconex vì nhà đầu tư ngoại mua bán cổ phần trên TTCK, thực hiện qua hệ thống của các sở giao dịch, công ty chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán, doanh nghiệp không hề biết.

Vậy trên TTCK Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp đang rơi vào trường hợp như Vinaconex? Hướng xử lý như thế nào đối với số cổ phiếu VCG mà các nhà đầu tư nước ngoài như Dragon Capital đã mua vào và đang sở hữu tại đây?

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán còn cho thấy tình trạng cùng là doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, kinh doanh điện thương phẩm, nhưng có nơi áp dụng room 0%, có nơi áp dụng tới 49%; cùng là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nơi áp dụng room 20%, đơn vị khác lại áp dụng 49%...

Cũng cần nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên, chuyện room ngoại trên TTCK khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi.

(Còn tiếp)


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Việt

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.