|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những ngân hàng kín room ngoại: Sức hút của MSB đến từ đâu?

16:00 | 09/03/2023
Chia sẻ
Tốc độ tăng trưởng cao và chất lượng tài sản dần được cải thiện có thể lý giải phần nào việc nhà đầu tư nước ngoài luôn nắm giữ lượng lớn cổ phiếu tại MSB.

 Ảnh đồ hoạ: Alex Chu.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) là một trong các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) gần chạm trần 30%. Số liệu công bố của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) tại ngày 9/3 cho thấy số liệu cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tại ngân hàng là hơn 599,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 29,98%.

Theo một công bố vào tháng 8/2021,7 cổ đông ngoại với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 30%, tương đương gần 352 triệu cổ phiếu, số ít còn lại là cổ đông nhỏ lẻ khác. Trong đó không có cổ đông nào sở hữu quá 5%. Từ thời điểm đó tới nay, MSB cũng không có thêm công bố về cổ đông lớn nào có yếu tố nước ngoài.

Danh sách 7 quỹ nước ngoài sở hữu gần 30% cổ phần của MSB vào tháng 8/2021

 

 Nguồn: MSB.

Duy trì tốc độ tăng trưởng cao qua các năm

Việc khối ngoại duy trì nắm giữ lượng lớn cổ phiếu MSB có thể được lý giải bởi kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng qua các năm khi tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận của MSB luôn duy trì mức tăng trưởng khả quan. 

Tổng thu nhập hoạt động của MSB đã tăng gấp ba lần từ 3.248 tỷ đồng năm 2017 lên 10.588 tỷ đồng năm 2021 và tiếp tục duy trì ở mức gần 10.700 tỷ đồng trong năm 2022. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã tăng từ 164 tỷ đồng năm 2017 lên trên 5.000 tỷ đồng năm 2021 và hơn 5.700 tỷ đồng năm 2022.

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Trong cơ cấu thu nhập của MSB, thu nhập lãi thuần vẫn là động lực tăng trưởng chính. Năm 2022, nguồn thu này đạt8.322 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước và chiếm gần 78% trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.

Các nguồn thu từ phí, chủ yếu bởi hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) và ngoại hối, cũng mang lại hàng nghìn tỷ đồng cho MSB trong năm qua. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 2,6 lần so với năm 2021. Thu nhập phí banca tăng 42% năm 2022 sau khi loại trừ phí upfront thu trong năm 2021.

Phía ngân hàng cho biết nếu loại bỏ khoản doanh thu khác trong năm 2021 từ ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền với Prudential, năm 2022 vừa qua, MSB vẫn giữ mức tăng trưởng khả quan từ hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng cốt lõi.

Tốc độ tăng trưởng cao, lợi thế chi phí huy động thấp và nguồn lợi nhuận từ các thương vụ hợp tác bảo hiểm và chuyển nhượng các công ty con là những lợi thế của MSB được các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcombank cho rằng sẽ là yếu tố giúp ngân hàng bổ sung vốn phát triển ngân hàng bán lẻ và các hoạt động kinh doanh cốt lõi trong dài hạn. 

Tái cấu trúc tài sản, tăng tỷ trọng bán lẻ

Trong năm 2022, cơ cấu cho vay của MSB chuyển dịch về tệp khách hàng cá nhân và SME và giảm tỷ trọng các lĩnh vực rủi ro cao. Tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng tính đến thời điểm cuối năm ghi nhận tăng 18,8% so với đầu năm, đạt 120.644 tỷ đồng. Trong đó, cho vay cá nhân tăng 42% so với đầu năm, đạt 37.563 tỷ đồng và chiếm 31% tổng dư nợ.

Cho vay sản xuất, phân phối điện năng lượng và cho vay thương mại hàng công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng cũng tăng lần lượt 45% và 31%, chiếm 8,55% và 8,88% tổng dư nợ.

Ở chiều ngược lại, dư nợ cho kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng và cho vay xây dựng đang được thu hẹp dần, giảm lần lượt 14% và 21% so với đầu năm. 

Nguồn: MSB. 

Tăng CASA, giảm chi phí vốn

Năm 2022, MSB đã lọt Top 4 ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất trong ngành đều trên 30%.

Báo cáo tài chính của MSB cho thấy, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 (tăng 7,6%), dù xu hướng chung của toàn ngành là đi xuống. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng theo đó đạt 31,2%, tỷ lệ CASA bình quân năm 2022 là 36%.

 

Tỷ lệ CASA cao và việc tối ưu hóa cơ cấu nguồn vốn đã giúp cho MSB là một trong số ít các ngân hàng giữ được NIM tăng trưởng, tăng từ 3,63% năm 2021 lên 4,5% năm 2022.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MSB đạt hơn 213.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 5% so với năm trước. Tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR riêng lẻ) của MSB đạt mức 68,77% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mảng ngân hàng được kiểm soát ở mức 23,57% (so với yêu cầu 37%).

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo thông tư 41 đạt 12,33%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của mảng ngân hàng) theo thông tư 11/NHNN đang ở mức 1,21%, dư nợ tái cơ cấu chỉ còn khoảng 1.400 tỷ đồng.

Mới đây, MSB đã được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng tốt nhất trong số các ngân hàng là 13,5%, chủ yếu do hệ số LDR thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác, theo VNDirect.

Dự phóng cho năm 2023, CTCP Chứng khoán SSI cho rằng áp lực huy động vốn sẽ rõ ràng hơn vào năm nay khi lãi suất huy động tăng. Do đó, NIM năm 2023 dự kiến sẽ giảm xuống 4,02%. Qua đó ước tính lợi nhuận trước thuế của MSB sẽ đạt 7.200 tỷ đồng vào năm 2023 (loại trừ lợi nhuận từ giao dịch thoái vốn tại FCCOM), tăng 24% so với cùng kỳ.

Phương Nga