|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Room ngoại luôn ở mức tối đa 30%, ACB có điểm mạnh gì hút sự chú ý của nhà đầu tư?

14:47 | 07/03/2023
Chia sẻ
ACB là một trong số ít ngân hàng ít bị ảnh hưởng nhất bởi chu kỳ đi xuống của lĩnh vực bất động sản và các điều kiện kinh tế vĩ mô khắc nghiệt.

 Room ngoại luôn ở mức tối đa 30%, ACB có điểm mạnh gì hút sự chú ý của nhà đầu tư?. (Ảnh đồ hoạ: Alex Chu).

ACB luôn nằm trong nhóm những cổ phiếu ngân hàng có sức hấp dẫn lớn đối với khối ngoại khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại ngân hàng luôn ở mức tối đa 30%.

Dữ liệu giao dịch trong tháng 2 cho thấy khối ngoại đã sang tay nhau tổng cộng 68,6 triệu cổ phiếu ACB với giá trị giao dịch hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó các phiên giao dịch có khối lượng lớn có thể kể đến ngày 15/2 với 16,6 triệu đơn vị hay ngày 10/2 với 9 triệu đơn vị. Riêng ngày 20/2, giao dịch thoả thuận của khối ngoại đạt 4,45 triệu cổ phiếu với giá trị là gần 118 tỷ đồng. 

Tâm điểm trong phiên 20/2 là giao dịch thoả thuận mua 4 triệu cổ phiếu ACB của nhóm 5 quỹ thành viên thuộc Dragon Capital. Cụ thể, Norges Bank mua thêm 2 triệu đơn vị tăng tỷ lệ sở hữu lên 0,57%; Hanoi Investments Holdings Limited mua 1 triệu đơn vị tăng tỷ lệ sở hữu lên 0,3% và CTBC Vietnam Equity Fund mua 600.000 đơn vị tăng tỷ lệ sở hữu lên 0,07%.

Ngoài ra, KB Vietnam Focus Balanced Fund và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] cũng mua lần lượt mỗi quỹ 200.000 đơn vị, tăng tỷ lệ sở hữu của hai quỹ này lên lần lượt là 0,02% và 0,03%.

Sau giao dịch, tổng số cổ phiếu ACB mà Dragon Capital nắm giữ tăng từ 268,3 triệu đơn vị lên 272,3 triệu đơn vị, tăng tỷ lệ sở hữu từ 7,94% lên 8,06%. Đây là một trong những khoản đầu tư dài hơi nhất của Dragon Capital, một số nhóm của quỹ đầu tư này đã nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng kể từ năm 1996. 

Tính đến cuối năm 2021, số lượng cổ đông nước ngoài tại ACB là 103 người với hơn 810 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 30%.

Trong đó cổ đông lớn nước ngoài sở hữu từ 5% vốn cổ phần trở lên gồm nhóm quỹ của Dragon Capital và Alp Asia Finance (Vietnam) Limited, sở hữu cổ phần gián tiếp thông qua hai công ty con Sather Gate Investments Limited và Whistler Investments Limited.

Mức độ "phơi nhiễm" thấp với lĩnh vực BĐS, nói không với trái phiếu

"ACB là một trong số ít ngân hàng trong danh mục theo dõi của chúng tôi sẽ ít bị ảnh hưởng nhất bởi xu hướng đi xuống của lĩnh vực bất động sản và các điều kiện kinh tế vĩ mô khắc nghiệt, do mức độ phơi nhiễm vào lĩnh vực này thấp và cách tiếp cận thận trọng của ngân hàng trong nhiều năm qua," Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra quan điểm tích cực về chất lượng tài sản và dự phòng rủi ro của ACB trong báo cáo cập nhật mới đây.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, mức độ phơi nhiễm với lĩnh vực liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 24% tổng dư nợ tính đến ngày 31/12/2022, trong đó cho vay cá nhân mua nhà và cho vay nhà phát triển bất động sản lần lượt là 81.000 tỷ đồng và 18.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Về chất lượng tài sản của ACB, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 0,74%, giảm từ mức 1,01% trong quý III và 0,8% vào cuối năm 2021.Phía ngân hàng cho biết con số này chủ yếu đến từ việc điều chỉnh CIC do nợ xấu trước điều chỉnh là 0,62%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng cũng tăng lên 159,3% so với quý trước đó, song lãi giảm so với mức 209,4% tại thời điểm cuối năm 2021.

Chi phí dự phòng ròng trong quý IV là 251 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm là 70 tỷ đồng, giảm 98% so với năm ngoái. Từ chia sẻ của ngân hàng, VDSC cho rằng chi phí dự phòng thấp trong năm 2022 chủ yếu là do hoàn nhập từ các khoản nợ cơ cấu liên quan đến COVID-19. 

Hoạt động kinh doanh duy trì kết quả khả quan qua các năm 

Mô hình thận trọng đi cùng với các giải pháp cân đối và sử dụng nguồn vốn hiệu quả đã giúp ACB tăng trưởng bền vững trong nhiều năm qua. Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt trên 17.100 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ và hoàn thành 114% kế hoạch năm.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 24% so với năm ngoái, đạt 23.533 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 22% và 20,3%. 

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của ACB đạt trên 607.800 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021. Tín dụng đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 14,3%, trong đó tín dụng của ngân hàng mẹ tăng trưởng 15,2%. Huy động đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021. ROE đạt 26,5% 

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Trong năm 2023, chuyên gia kỳ vọng tín dụng và huy động của ACB sẽ tăng trưởng lần lượt 13,5% và 11,4%. Chi phí huy động có thể tiếp tục ở mức cao trong những quý đầu, tuy nhiên dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm phần lớn trong tổng dư nợ, tạo điều kiện cho việc điều chỉnh lãi suất trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. 

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động, NIM dự báo tăng thêm 0,15 điểm %. Tổng thu nhập hoạt động dự kiến tăng 15,8% lên 33.300 tỷ đồng và chi phí hoạt động giảm nhẹ 7%, dẫn đến lợi nhuận trước thuế tăng 19% so với cùng kỳ.

Dự phóng lợi nhuận trước thuế của ACB cho năm 2023-2024 lần lượt là 20.431 tỷ đồng và 24.314 tỷ đồng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Nga