|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lợi nhuận Vietcombank ảnh hưởng ra sao khi những khách hàng lớn như Vietnam Airlines gặp khó vì COVID-19?

10:25 | 27/03/2020
Chia sẻ
Với việc miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, các công ty chứng khoán cho rằng thu nhập lãi của Viecombank sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và gây áp lực lên tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).

Ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh

Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện hoạt động của các doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường đang có xu hướng giảm.

Tại cuộc họp gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng cho rằng mức tăng trưởng tín dụng khá thấp của những tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp đang rất khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Nói về về tình hình kinh doanh của BIDV, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 mới diễn ra, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho hay trong hai tháng đầu năm, tín dụng của ngân hàng giảm gần 2%. Nguyên nhân là bởi những tháng đầu năm (như tháng Giêng), khách hàng rất ít khi đi vay cùng với chịu tác động kép từ tác động của dịch bệnh, cả phía cung lẫn phía cầu.

Còn theo tính toán sơ bộ của Vietcombank, dư nợ của các khoản vay hiện hữu với các khách hàng trong đợt dịch này khoảng 120.000 tỉ đồng, tức ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 300-450 tỉ đồng.

Tại Ngân hàng Bản Việt, khoảng 20% tổng dư nợ cho vay khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt chia sẻ với Báo Đầu tư cho biết tác động trước mắt của dịch bệnh khiến doanh thu, thu nhập và dòng tiền trong ngắn hạn của khách hàng bị ảnh hưởng, nên trong giai đoạn này, ngân hàng quan tâm nhiều đến vấn đề cơ cấu lại nợ hơn là vay mới.

Thu nhập từ lãi của Vietcombank chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19

Hiện Vietcombank là ngân hàng có con số lợi nhuận cao nhất trong hệ thống các ngân hàng Việt với mức lãi trước thuế 2019 đạt 23.123 tỉ đồng, tương đương khoảng 1 tỉ USD. Nhà băng này cũng giữ vai trò đầu tàu trong ngành ngân hàng để thực hiện định hướng giảm lãi suất của Chính phủ.

Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Vietcombank đã có nhiều động thái hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, ngân hàng đã điều chỉnh giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn; cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên đáp ứng điều kiện vay vốn của Vietcombank.

Đồng thời, Vietcombank cũng ban hành các chương trình cho vay với lãi suất thấp (lãi suất thấp nhất có thể xuống tới 5%) để ưu đãi cho các khách hàng tốt, trong đó có khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Qui mô dư nợ ban đầu Vietcombank dự kiến hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng gần 78.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng, Vietcombank đang xem xét mở rộng thêm đối tượng khách hàng được áp dụng, đồng thời xem xét mở rộng qui mô dư nợ được hỗ trợ có thể lên tới 120.000 tỉ đồng.

Theo CTCP Chứng khoán VNDirect, thu nhập lãi của Vietcombank sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những chương trình hỗ trợ nói trên do đó sẽ gây áp lực tới NIM trong năm 2020-2021.

CTCP Chứng khoản Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng việc hỗ trợ giảm lãi suất do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng NIM của Vietcombank trong 2020. BVSC giả sử dư nợ được hỗ trợ của ngân hàng chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, lãi suất bình quân đầu ra có thể giảm 0,2 – 0,3%.

Tuy nhiên, các công ty chứng khoán nhận định việc mở rộng danh mục cho vay cá nhân và tăng tỷ trọng này trên tổng danh mục cho vay sẽ giúp Vietcombank cải thiện lãi suất bình quân.

Trong 2020, ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng danh mục cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) 25% và tăng tỉ trọng danh mục này trong tổng danh mục cho vay lên 60%.

Ngoài ra với tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) theo Thông tư 22 mới chỉ ở quanh mức 75%, thấp hơn nhiều so với mức trần 85% thì "ông lớn" ngành ngân hàng vẫn còn nhiều cơ hội để tăng tỉ lệ này và qua đó cải thiện NIM.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lợi nhuận Vietcombank ảnh hưởng ra sao? - Ảnh 1.

Nguồn: BVSC.

'Nguồn dự phòng của Vietcombank đủ để giải quyết nợ xấu có thể phát sinh của Vietnam Airlines'

Đối với hoạt động cho vay của Vietcombank, ngân hàng và Vietnam Airlines có mối quan hệ đối tác và tín dụng khá chặt chẽ. Bên cạnh việc cấp tín dụng cho Vietnam Airlines, ngân hàng cũng cung cấp các dịch vụ thanh toán, ngoại tệ, phát hành thư tín dụng và bảo lãnh cho Vietnam Airlines.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines bị ảnh hưởng do nhiều chuyến bay quốc tế đang bị tạm dừng. Do đó, doanh thu của Vietnam Airlines có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực, dẫn tới giảm khả năng tài chính.

Tuy nhiên, theo VNDirect, Vietcombank có đủ nguồn lực để giảm thiểu rủi ro tiềm tàng đến từ Vietnam Airlines.

Đến cuối quí II/2019, Vietnam Airlines có 15.424 tỉ đồng dư nợ cần thanh toán trong vòng 12 tháng. Cũng tại thời điểm này, dư nợ với Vietcombank là 1.267 tỉ đồng nợ ngắn hạn và 5.242 tỉ đồng nợ dài hạn.

Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, do đó VNDirect cho rằng dư nợ của Vietnam Airlines tại các ngân hàng sẽ được cơ cấu lại thời gian trả nợ, vì thế dư nợ tại Vietcombank cũng như các ngân hàng khác sẽ không trở thành nợ xấu trong ngắn hạn.

Theo VNDirect, dịch COVID-19 có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn do vậy trong trường hợp Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, đối với Vietcombank chỉ có dư nợ ngắn hạn bị ảnh hưởng. 

Hiện tại Vietcombank có mức dự phòng cao, đạt 182% vào cuối 2019, và nguồn dự phòng này đủ để giải quyết nợ xấu có thể phát sinh của Vietnam Airlines.

Thu Hoài

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.