|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận Sao Ta ước đạt 340 tỷ đồng năm 2022, vượt mục tiêu năm

09:58 | 03/01/2023
Chia sẻ
Luỹ kế cả năm 2022, Sao Ta đã vượt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ năm 2022 khoảng 226 triệu USD, tương đương 5.336 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 340 tỷ đồng tăng lần lượt 3%, 18% so với năm trước.

Năm 2022, Sao Ta đặt mục tiêu 5.290 tỷ đồng doanh thu, 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, công ty đã vượt 1% kế hoạch doanh thu và vượt 6% mục tiêu lợi nhuận. Tính riêng tháng 12/2022, doanh thu công ty khoảng 11 triệu USD thấp hơn tháng 11 là 3 triệu USD.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ Sao Ta.

Về sản xuất tôm thành phẩm tháng 12 của Sao Ta đạt 1.249 tấn. Lũy kế cả năm giảm 10% so với năm trước (22.790 tấn), tương ứng khoảng 20.511 tấn. Sao Ta cho rằng, sản lượng chế biến giảm chủ yếu quý IV do nguyên liệu ít, nuôi tôm bị dịch bệnh.

Trong đó, tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 919 tấn. Lũy kế cả năm tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (18.370 tấn), tương ứng đạt 18.553 tấn.

Về sản xuất nông sản thành phẩm tháng 12 của Sao Ta đạt 140 tấn, lũy kế cả năm tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ nông sản thành phẩm tháng 12 đạt 43 tấn, sản lượng cả năm ước tăng 13% so với năm 2021.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) lạm phát ngấm sâu vào nền kinh tế các nước khiến nhu cầu và đơn hàng giảm mạnh, xuất khẩu thủy sản trong quý I/2023 dự kiến sẽ đi xuống so với quý IV/2022 và cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn có những hy vọng lạc quan vào tín hiệu tốt từ một số thị trường có nền kinh tế ổn định hơn, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn như ASEAN, Trung Đông và khối các nước CPTPP.

Đặc biệt là, việc Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát đối với hàng nhập khẩu như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cửa hơn cho xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này.

Sức tiêu thụ của một đất nước 1,5 tỷ dân sẽ không thể được đáp ứng kịp bằng nguồn cung trong nước đã bị gián đoạn và hạn chế trong mấy năm qua vì chính sách Zero – COVID. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

VASEP cho rằng ở thời điểm này, doanh nghiệp thủy sản cần được tiếp sức để chuẩn bị nguồn lực, nguyên liệu, vốn sản xuất và các điều kiện, để khi thị trường ổn định và hồi phục thì có thể nhanh chóng gia tăng xuất khẩu, giành thị phần trước các đối thủ khác cũng đang khá mạnh như Ecuador, Ấn Độ trên thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Lâm Anh