|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lạm phát và sức ép tôm giá rẻ khiến doanh số tiêu thụ của Sao Ta đi xuống

07:44 | 02/12/2022
Chia sẻ
Doanh số tiêu thụ tháng 11 của Sao Ta đạt gần 14 triệu USD, thấp hơn tháng trước 5,5 triệu USD dưới áp lực lạm phát và cạnh tranh tôm giá rẻ từ một số nước.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ chung trong 11 tháng đạt 215 triệu USD (khoảng 5.087 tỷ đồng), tăng 8% so cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, tôm thành phẩm chế biến 11 tháng đạt 19.329 tấn, giảm 9% so cùng kỳ năm 2021. Tôm thành phẩm tiêu thụ 17.149 tấn, bằng 99,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nông sản thành phẩm đạt 1.841 tấn, nông sản tiêu thụ 1.758 tấn; tăng lần lượt 83% và  17% so cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính riêng trong tháng 11, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt 13,9 triệu USD, thấp hơn 5,5 triệu USD so với tháng 10.

Về nuôi tôm, Sao Ta cho biết đã cơ bản hoàn tất vụ II, đạt kết quả khá. Do đó, công ty tập trung làm ao để qua Tết thả tôm giống nhưng mưa thất thường đang làm chậm nhịp độ.

Còn lý giải về thị trường im ắng hơn năm trước, công ty cho rằng là do lạm phát và cạnh tranh tôm giá rẻ từ một số nước. 

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ Sao Ta.

Chia sẻ tại hội thảo "Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết 6 nước nuôi tôm lớn trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, trong đó ngành tôm của Ecuador nổi lên với tốc độ phát triển nhanh và mạnh.

Giai đoạn 2020 – 2022, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu tôm của Ecuador tăng trưởng 50%, tức 3 tỷ USD năm 2020, 5 tỷ USD năm 2021 và dự kiến hơn 7 tỷ USD cho năm 2022. Hiện, tôm Ecuador đang chiếm 70% thị phần ở Trung Quốc, 18% ở Mỹ và đứng đầu ở Tây Âu.

“Năm 2016, Ecuador đứng vị trí thứ 6 thế giới về tôm nuôi. Song đến năm 2021, quốc gia này đã vươn lên vị trí dẫn đầu. Điều đáng nói, tốc độ phát triển của ngành tôm Ecuador cực kỳ nhanh, sản lượng tăng nhưng không bị tồn kho. Họ tiêu thụ được hết nhờ giá thành sản phẩm rất thấp”, ông Lực dẫn chứng.

Ứng xử với tình hình này, Chủ tịch Sao Ta cho rằng doanh nghiệp Việt phải tính toán, đánh giá được điểm mạnh – điểm yếu của mình và đối thủ, chuẩn bị các sách lược uyển chuyển, linh hoạt, phát huy được sở trường, thế mạnh. Đặc biệt, để giữ vững hoạt động của ngành tôm Việt Nam là bài toán lớn đối với cả tầm vĩ mô và vi mô.

Theo ông, muốn tăng tỷ lệ tôm nuôi thành công, giảm giá thành, các doanh nghiệp cần có con giống tốt, nước nuôi tốt. Để làm được điều này, cơ quan nhà nước cần có chính sách mở rộng quy mô nuôi tôm ASC, đầu tư vào con giống bố mẹ.

Còn về giải pháp vi mô thì mỗi doanh nghiệp sẽ có cách ứng xử riêng tùy theo bối cảnh và thị trường.

Lâm Anh