Lợi nhuận SAGS giảm sâu vì khoản nợ khó đòi Bamboo Airways, Vietravel Airlines
Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS - Mã: SGN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV với doanh thu thuần tiếp tục tăng trưởng 23% lên 366 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 58% so với cùng kỳ đạt mức 114 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính không có nhiều biến động lớn khi doanh thu tài chính tăng 19,4% lên hơn 8 tỷ đồng và các chi phí giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng vọt 139% lên 87 tỷ đồng.
Kéo theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ rơi xuống mức 24 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất 8 quý.
Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải doanh thu vẫn tăng trưởng là nhờ sản lượng phục vụ các đường bay quốc tế ở mức cao, ký thêm hợp đồng phục vụ một số khách hàng mới và tăng phí dịch vụ với một số khách hàng cũ.
Tuy nhiên về khía cạnh chi phí, công ty phải thực hiện quy định tại Thông tư 48/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khói đòi và bảo hành hàng hóa dịch vụ tại doanh nghiệp nghiệp. Công ty đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hãng Bamboo Airways (53,5 tỷ đồng), Vietravel Airlines (6,6 tỷ đồng).
Dù vậy, tính chung cả năm, SAGS vẫn có kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu thuần tăng 46% lên mức 1.455 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 71% đạt 241 tỷ đồng và lãi ròng tăng 65% ở mức 227 tỷ đồng. Con số này vẫn chưa thể quay về thời hoàng kim 2018-2019.
Theo kế hoạch năm 2023, cổ đông doanh nghiệp đề ra mục tiêu doanh thu 1.280 tỷ và có lãi sau thuế 205 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị phục vụ mặt đất này đã vượt 14% chỉ tiêu doanh thu và 18% mục tiêu lợi nhuận.
Tổng tài sản của SAGS hiện đạt gần 1.300 tỷ đồng. Trong đó có lượng tiền và tiền gửi ngân hàng đến 730 tỷ đồng, chiếm gần 57% quy mô tài sản. Công ty có khoản phải thu ngắn hạn 347 tỷ đồng, chủ yếu là với các hãng hàng không như Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines...
Hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 48% vốn công ty. Các cổ đông lớn tiếp theo gồm America LLC sở hữu 11,68% và Vietjet có 9,11% cổ phần.
Trong quý kinh doanh cuối năm, Chủ tịch HĐQT Đặng Tuấn Tú được trả mức thù lao 1,1 tỷ đồng (tương đương mỗi tháng thu về hơn 400 triệu đồng), là người nhận lương cao nhất công ty. Tính chung cả năm, ông Tú có thu nhập hơn 4 tỷ đồng.