Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'bốc hơi' sau soát xét
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận chênh lệch lớn số liệu trước và sau soát xét đã trở thành câu chuyện không mấy xa lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hạn nộp báo cáo tài chính (BCTC) bán niên sau soát xét đã điểm, theo thống kê của người viết ghi nhận nhiều doanh nghiệp lợi nhuận giảm mạnh thậm chí tăng lỗ sau soát xét.
"Họ FLC" thi nhau giảm lãi sau soát xét
Theo soát xét bán niên 2020 của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) vừa được Ernst & Young (EY) kiểm toán, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của của Đất Xanh âm 488 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, lệch hơn 500 tỉ đồng so với con số công ty tự lập.
Theo thuyết minh BCTC, tại ngày 22/7, Tập đoàn đã chuyển nhượng hết gần 63 triệu cổ phiếu, tỉ lệ 36,72% vốn tại CTCP Đầu tư LDG nên kiểm toán đã yêu cầu trích 526 tỉ đồng dự phòng trong quí II.
Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lãi sau thuế giảm mạnh 81% sau soát xét là CTCP Tập đoàn Thành Nam (Mã: TNI).
Trên báo cáo kiểm toán, doanh thu thuần 6 tháng giảm 3% so với báo cáo tự lập xuống còn 710 tỉ đồng kéo theo giá vốn cũng giảm 2% xuống 685 tỉ đồng.
Các chỉ tiêu doanh thu tài chính, chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp đều giảm so với báo cáo tự lập, trái lại chi phí tài chính lại tăng 16%.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, TNI lãi chưa tới 1 tỉ đồng, giảm 81% so với con số tự lập và giảm 87% so với cùng kì năm 2019.
Tương tự, hai doanh nghiệp thuộc "họ FLC" là CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB), CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF) lợi nhuận cũng "bốc hơi" trên 50% sau soát xét.
Dù doanh thu, lợi nhuận gộp không đổi nhưng doanh thu tài chính giảm 42% và chi phí bán hàng tăng khiến lãi sau thuế của GAB giảm 61% còn 554 triệu đồng 6 tháng đầu năm.
Tương tự, sau soát xét, các chi phí tài chính, quản lí doanh nghiệp của KLF ghi nhận tăng gấp đôi khiến lãi sau thuế giảm 74% còn 5,5 tỉ đồng.
Với trường của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (Mã: SDU) dù sau soát xét doanh thu tăng 40% lên 37 tỉ nhưng các chi phí tăng mạnh khiến lãi sau thuế chỉ còn 1 tỉ đồng, giảm 39% so với BCTC tự lập.
Vẫn có doanh nghiệp lãi đột biến sau soát xét
Trái lại với trường hợp nhiều doanh nghiệp "bốc hơi" lợi nhuận sau soát xét thì cũng có doanh nghiệp ghi nhận tăng lãi, giảm lỗ.
Trên BCTC riêng bán niên của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) ghi nhận lợi nhuận đột biến gấp hơn 3 lần sau soát xét lên 12 tỉ đồng.
Giải trình chênh lệch hơn 8 tỉ lợi nhuận trước và sau soát xét, doanh nghiệp cho biết do việc ghi nhận bổ sung chiết khấu thưởng sản lượng của các nhà máy trong 6 tháng đầu năm.
Dù chênh lệch không lớn nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của CTCP City Auto (Mã: CTF) cũng tăng 31% lên 783 triệu đồng do ghi nhận thêm khoản hỗ trợ nhà máy Ford Việt Nam.
Nhờ ghi nhận doanh thu tài chính đột biến, từ 7 triệu đồng ở báo cáo tự lập lên 870 triệu sau soát xét mà khoản lỗ của CTCP Dầu khí Thái Dương (Mã: TDG) giảm từ gần 4,2 tỉ xuống còn gần 3,7 tỉ đồng.
Bị kiểm toán từ chối cho ý kiến, nghi ngờ khả năng hoạt động
Dù số liệu kinh doanh không có thay đổi sau khi kiểm toán nhưng kiểm toán lại từ chối đưa ra ý kiến với BCTC bán niên của CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (Mã: TNS) hay nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của CTCP Dệt may Nha Trang (Mã: NTT), CTCP Cán thép Thái Trung (Mã: TTS)
Loạt vấn đề được đưa ra trên BCTC của TNS khiến kiểm toán từ chối đưa ra kết luận là chưa ghi nhận chi phí lãi vay, lãi trả chậm; vốn lưu động âm 223 tỉ đồng; lỗ luỹ kế 203 tỉ khiến âm vốn chủ sở hữu hơn 2 tỉ và nợ thanh toán quá hạn 268 tỉ đồng hết quí II.
Còn NTT bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do vốn lưu động âm 77 tỉ đồng hết quí II trong khi cuối năm 2019 đã âm 72 tỉ đồng.
Tương tự như NTT thì TTS cũng bị kiểm toán chỉ ra loạt dấu hiệu nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục như vốn lưu động âm 355,5 tỉ đồng, lỗ luỹ kế 235 tỉ đồng tại ngày 30/6.