Lợi nhuận ngành công nghiệp Trung Quốc giảm mạnh nhất 8 năm
Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc tháng thứ 7 liên tiếp. (Ảnh: Bloomberg)
Dù căng thẳng thương mại với Mỹ đã hạ nhiệt kể từ khi hai bên thông báo tiến hành đàm phán thỏa thuận giai đoạn một vào tháng trước, một chỉ báo thể hiện dòng chảy thương mại ở châu Á là kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục giảm gần 10% trong 20 ngày đầu tiên của tháng 11.
Tuy có cải thiện so với kết quả tồi tệ nhất trong một thập kỉ ghi nhận vào tháng 9, số liệu trên cho thấy giao thương hàng hóa công nghệ cao trên khắp khu vực châu Á vẫn gặp nhiều khó khăn khi mà mùa mua sắm lễ Giáng sinh đến gần.
Theo dữ liệu Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm 27/11, lợi nhuận của ngành công nghiệp Trung Quốc trong tháng 10 đã sụt 9,9% so với cùng kì năm ngoái xuống mức 427,56 tỉ nhân dân tệ (tương đương 60,74 tỉ USD). Đây là mức giảm mạnh nhất từ năm 2011 đến nay.
Sự sụt giảm trong giá hàng hóa xuất xưởng là một trong các yếu tố làm thâm hụt lợi nhuận doanh nghiệp và được dự đoán sẽ tiếp diễn trong tháng 11.
Nguồn: Bloomberg/Tổng cục Thống kê Trung Quốc
Giá thành hàng hóa đi xuống cho thấy nhu cầu nội địa tại Trung Quốc khá yếu ớt. Nếu các tác động giảm phát này tiếp tục, lợi nhuận của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn và cuối cùng kéo tụt giá cả và lợi nhuận ở các thị trường nước ngoài.
Ông Qian Wan, nhà kinh tế học thuộc Bloomberg Economics, nhận định: "Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa trên thế giới suy yếu và bất ổn xoay quanh đàm phán thương mại lên cao, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc phải phụ thuộc nhiều hơn vào lực cầu nội địa.
Tuy nhiên, thật đáng lo khi mà tình trạng giảm phát tại nhà máy vẫn tiếp diễn và thêm trầm trọng tháng thứ 5 liên tiếp".
Giám đốc kinh doanh của nhiều công ty Trung Quốc cho biết điều kiện kinh tế đang ở mức tồi tệ nhất từ trước đến nay, khi mà các chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ (chính và phụ) đều giảm sâu dưới 50 điểm.
Niềm tin doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng và nhiều chỉ số về sản xuất sụt giảm trong các tháng gần đây, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu trên diện rộng, theo World Economics.
Nguồn: Bloomberg Economics, Bộ Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp Hàn Quốc, World Economics, Standard Chartered Bank.
SAIC Motor, hãng sản xuất xe hơi lớn nhất Trung Quốc, cho biết lợi nhuận đã giảm 4 quí liên tiếp do khách hàng không ghé thăm các showroom. Doanh số bán xe hơi cũng đặc biệt chững lại ở bên ngoài các thành phố lớn, nơi người tiêu dùng kém dư dả hơn và do vậy có khả năng chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ sự chững lại của nền kinh tế.
SAIC đã cắt giảm dự báo doanh số bán hàng vào tháng 7 và ước tính doanh số cả năm sẽ ghi nhận lần sụt giảm đầu tiên trong 14 năm qua.
Khu vực màu cam cho thấy nền kinh tế tăng nhiệt, trong khi khu vực màu xanh chỉ ra nền kinh tế đang hạ nhiệt. Nguồn: Bloomberg Economics
BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc và do tỉ phú Warren Buffett góp vốn, vào tháng trước công bố lợi nhuận quí III giảm 89% so với cùng kì năm ngoái và cảnh báo lợi nhuận có thể sụt 43% trong năm nay.
Tuy nhiên ở các bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với nền kinh tế toàn cầu vẫn lóe lên một số tia sáng tích cực. Trong một khảo sát do ngân hàng Standard Chartered thực hiện trên các doanh nghiệp nhỏ, nhóm công ty định hướng xuất khẩu bày tỏ thái độ lạc quan hơn.
"Hoạt động sản xuất đã tăng tốc nhờ nhu cầu bên ngoài tăng trở lại" trong khi các chỉ số phụ về số đơn đặt hàng mới cho các doanh nghiệp nhỏ định hướng phát triển trong nước suy yếu, ông Hunter Chan và ông Ding Shuang từ Standard Chartered viết trong bản báo cáo.
"Lĩnh vực sản xuất tăng vượt trội khi mà chỉ số PMI phụ về sản xuất tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng, trong khi chỉ số PMI phụ về dịch vụ giảm", hai chuyên gia cho hay.
Giá quặng sắt đã tăng trở lại trong thời gian gần đây nhờ triển vọng tích cực về nhu cầu nội địa vào năm tới, trong khi giá thanh cốt thép phục vụ cho ngành xây dựng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5.