|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc đua mạng 5G giữa Mỹ và Trung Quốc: Công nghệ tương tự nhau, quan trọng là chiến lược

13:37 | 27/11/2019
Chia sẻ
Mặc dù Trung Quốc phát triển các mạng di động thế hệ mới với tốc độ nhanh hơn, nhiều chuyên gia nhận định Mỹ vẫn có một số lợi thế trong cuộc cạnh tranh giành ưu thế này.
6f7e6352-551c-11e9-a3ae-f2742b367090_image_hires_162050

"'Công nghệ thì tương tự nhau, quan trọng là ở chiến lược". (Ảnh: South China Morning Post)

Mỹ hụt hơi vì Trung Quốc triển khai mạng 5G trước tiên

Ba nhà mạng Trung Quốc đã triển khai mạng 5G trên cả nước vào ngày 1/11. Một tuần sau đó, Bắc Kinh cho biết đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển mạng 6G.

5G là thế hệ mạng di động có tốc độ truyền tải dữ liệu siêu nhanh, có thể hỗ trợ nhiều công nghệ mới như xe không người lái. Trong khi 6G là mạng di động thế hệ kế tiếp, 5G vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu khi phần lớn người dùng trên thế giới còn đang sử dụng mạng 4G.

"Nhiều người coi đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang hụt hơi trong cuộc đua sở hữu công nghệ liên lạc thế hệ mới", ông Adam Segal, Giám đốc phụ trách mảng chính sách số và không gian mạng tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại (CFR), lưu ý hồi đầu tháng 11.

"Tuy nhiên, Mỹ vẫn có những thế mạnh riêng. Doanh nghiệp Mỹ có thể chiếm ưu thế về các ứng dụng và dịch vụ sử dụng mạng 5G", ông Segal nói.

Theo CNBC, chỉ vì Trung Quốc triển khai mạng 5G trước tiên không có nghĩa là cuộc cạnh tranh đã kết thúc.

Ông Paul Triolo - Giám đốc cấp cao của tập đoàn Eurasia nhận định năng lực đổi mới của Mỹ có thể mang lại lợi thế. Nhiều công ty công nghệ Mỹ đã nghiên cứu xe tự lái, thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), mà theo ông Triolo lí giải thì các công nghệ này có thể là những ứng dụng đột phá đầu tiên của mạng 5G.

"Ngay cả khi Trung Quốc tung ra mạng 5G nhanh hơn một chút, Mỹ cuối cùng sẽ triển khai thế hệ mạng này trên diện rộng để có thể đổi mới toàn diện từ đó", ông Triolo khẳng định.

Còn ông Eric Ross, Giám đốc chiến lược đầu tư của công ty Cascend Securities lại cho biết các thế hệ mạng trong tương lai hứa hẹn băng thông rộng và tốc độ Internet nhanh hơn, nhờ đó các công ty như Google và Facebook có thể tận dụng để phát triển nhiều dịch vụ tiên tiến hơn.

"Tại Mỹ, Apple rất phổ biến. Về cơ bản, ứng dụng Facetime của Apple xuất hiện khắp mọi nơi", ông nói thêm.

Cơ hội của Mỹ trong cuộc đua 5G

Để vươn lên phía trước, ông Segal nhất trí rằng Mỹ cần phải tập trung vào phát triển phần mềm.

Tái sử dụng băng tần giữa của nước Mỹ là một hướng đi hợp lí, mà theo ông Ross thì băng tần giữa hiện đang được sử dụng cho mục đích quân sự của Mỹ hoặc cho radar thời tiết. Sử dụng băng tần giữa cho mạng 5G thay vì băng tần cao như hiện nay có thể đem lại hiệu quả hơn.

Trong khi đó, hệ thống mạng 5G của Trung Quốc sử dụng băng tần thấp bao phủ một khu vực rộng lớn và cung cấp vùng phủ sóng phù hợp. Do đó, ông Ross lập luận điểm khác biệt giữa hai hướng tiếp cận nằm ở đường truyền mạng.

"Tôi không nói công nghệ 5G của Trung Quốc tốt hơn", ông giải thích. "Công nghệ thì tương tự nhau, quan trọng là ở chiến lược".

Ông Segal cho biết đầu tư nhiều hơn vào việc sản xuất công nghệ trong nước cũng có thể giúp Mỹ đạt được lợi thế.

"Chính phủ Mỹ cũng cần phải ngăn chặn các vụ sáp nhập và mua lại (M&A) có thể dẫn đến việc thiết bị chỉ được cung ứng bởi một số ít doanh nghiệp nước ngoài", Giám đốc Segal lưu ý mà không nêu ra tên công ty nước ngoài cụ thể.

Đối với Trung Quốc, triển khai mạng 5G sớm có thể mang lại cho họ một "lợi thế nhất định trong cuộc đua tranh ngôi vương mạng 6G", ông Ross nói thêm. Khi các công ty Trung Quốc thu hút nhiều khách hàng trên toàn cầu, việc xây dựng thị trường đó sẽ trang bị cho họ kinh nghiệm để phát triển nhiều sản phẩm trong tương lai.

Yên Khê

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...