|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EU sắp đánh giá loạt nhà cung ứng mạng 5G tiềm năng, có thể loại Trung Quốc khỏi cuộc chơi

14:55 | 20/11/2019
Chia sẻ
Liên minh châu Âu (EU) sắp ra tuyên bố rằng họ sẽ đánh giá các nhà cung ứng mạng 5G tiềm năng dựa trên luật pháp quốc gia quê hương của các hãng này. Đây là một lập trường cứng rắn, có thể loại bỏ doanh nghiệp Trung Quốc khỏi một số hợp đồng lắp đặt mạng 5G có giá trị tương đối lớn.
a-group-of-people-standing-in-front-of-a-crowd-attendees-are-silhouetted-beside-a-5g-display-on-the-_931616_

Ảnh: Bloomberg

"Các yếu tố như khung pháp lí và chính sách mà nhà cung ứng có thể phải tuân thủ ở nước thứ ba nên được xem xét", Bloomberg dẫn thông tin từ dự thảo tuyên bố chung của EU. Dự thảo được dự kiến sẽ công bố vào tháng sau.

Dự luật sẽ được phê chuẩn trên cơ sở không chính thức trong tuần này bởi các phái viên chính phủ châu Âu, sau đó các bộ trưởng sẽ đặt bút kí vào tháng 12 và câu chữ của dự luật có thể thay đổi.

Tuyên bố của EU cho thấy lập trường của khối sau một bản đánh giá rủi ro, trong đó nêu ra kịch bản tồi tệ nhất khi mà tin tặc hoặc quốc gia thù địch có thể kiểm soát mọi thứ, từ lưới điện đến thông tin liên lạc của cảnh sát, nếu sử dụng mạng 5G không an toàn.

EU cảnh báo thành viên của khối không nên phụ thuộc vào các nhà cung ứng đến từ các quốc gia có hệ thống chính phủ phi dân chủ.

Quan chức Mỹ và EU đã nhiều lần nêu lên lo ngại về mối quan hệ hợp tác mạng 5G với các hãng thiết bị Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei Technologies.

Doanh nghiệp Trung Quốc được cho là có nghĩa vụ phải hỗ trợ tổ chức tình báo quốc gia trong quá trình điều tra, trong khi quan chức Trung Quốc và Huawei lại khẳng định qui định trên tồn tại những ngoại lệ và Huawei không nhất thiết buộc phải hỗ trợ chính phủ.

Trong một dòng tweet đăng tải hôm 19/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay bản đánh giá rủi ro của EU nhấn mạnh việc các nước chỉ nên cài đặt thiết bị và phần mềm 5G từ các công ty không có mối đe dọa về an ninh, quyền riêng tư, sở hữu trí tuệ hoặc nhân quyền.

Các thành phần chính trong cơ sở hạ tầng mạng 5G, "chẳng hạn như nhóm linh kiện quan trọng đối với an ninh quốc gia nên có nguồn gốc từ các bên đáng tin cậy", bản dự thảo của EU ghi.

Việc triển khai mạng 5G phải "dựa trên nền tảng vững chắc từ các giá trị cốt lõi của EU như nhân quyền và quyền tự do cơ bản, luật pháp, sự bảo vệ đối với quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân và sở hữu trí tuệ thông qua cam kết minh bạch".

Phát ngôn viên của Hội đồng châu Âu (EC) đã từ chối đưa ra bình luận về nội dung dự thảo.

Lập trường của Đức về Huawei

Các nước châu Âu có tiếng nói cuối cùng trong việc cấm hay không cấm nhà cung ứng tham gia vào mạng 5G vì lí do an ninh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định cho phép Huawei cung ứng một số thiết bị miễn là công ty này đạt các tiêu chuẩn an ninh nhất định, bất chấp chính đảng của bà gây áp lực ban hành một lệnh cấm hoàn toàn.

Dự thảo của EU cũng nhấn mạnh "việc cần phải đa dạng hóa các nhà cung ứng để tránh hoặc hạn chế phụ thuộc vào một nhà cung ứng duy nhất" cũng như "tầm quan trọng của chủ quyền công nghệ châu Âu và thúc đẩy cách tiếp cận của EU đối với an ninh mạng trên toàn cầu".

Bên cạnh Huawei, hai hãng Nokia Oyj và Ericsson AB của châu Âu cũng cung ứng thiết bị 5G.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.