|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lợi nhuận các ngân hàng Hong Kong bị đe doạ trước dịch nCoV

12:30 | 06/02/2020
Chia sẻ
Theo S&P, việc đóng cửa tạm thời hầu hết chi nhánh và sự suy yếu các hoạt động kinh tế sẽ tác động giảm thu nhập ngoài lãi và nhu cầu tín dụng, kéo giảm lợi nhuận các ngân hàng tại Hong Kong.
Lợi nhuận các ngân hàng Hong Kong bị đe doạ trước dịch nCoV - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Asia Banking and Finace).

Theo đưa tin từ Asia Banking and Finace, các ngân hàng tại Hong Kong, một trung tâm tài chính của châu Á, phải đối mặt với một thách thức lớn trước sự bùng phát của dịch virus corona (nCoV) mới năm 2019. Dịch bệnh có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng và giảm doanh thu ngoài lãi của các nhà băng, theo nhận định của S&P.

Hiện nay, các ngân hàng tạm thời tại Hong Kong đã tạm thời đóng cửa các chi nhánh trên toàn thành phố trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của nCoV. Bank of East Asia đã đóng cửa 20 chi nhánh trong thời gian bắt đầu từ ngày 1/2 để bảo vệ "sức khoẻ và sự an toàn" của cả khách hàng và nhân viên của mình.

Trong một tuyên bố mới đây, Cơ quan tiền tệ Hong Kong (HKMA) cho biết họ dự kiến sẽ có khoảng 20-30% chi nhánh ngân hàng bị đóng cửa hoặc thực hiện các giờ hạn chế trong cuộc khủng hoảng nCoV.

Báo cáo của S&P lưu ý rằng sự biến động gia tăng trên thị trường tài chính và việc đóng cửa tạm thời một số chi nhánh ngân hàng có thể làm giảm các khoản thu ngoài lãi và làm tăng chi phí tín dụng mặc dù đang ở mức thấp.

Cùng với đó, việc suy yếu các hoạt động kinh tế của Hong Kong và Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu tín dụng trong khi biên lợi nhuận có thể thu hẹp trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ và môi trường lãi suất thấp.

Hơn nữa, doanh thu thẻ tín dụng và tăng trưởng cho vay cũng đang bị đe dọa vì sự bùng phát của dịch bệnh dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch, khách sạn, giải trí, thương mại và bán lẻ. Một vài lĩnh vực kể trên của Trung Quốc đã chịu căng thẳng nghiêm trọng do bất ổn xã hội. Những lĩnh vực này cũng được coi là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động kinh tế của dịch nCoV.

Tính đến cuối tháng 9/2019, các khoản vay liên quan đến du lịch, khách sạn và giải trí chiếm khoảng 5% cho vay toàn hệ thống; bán buôn và bán lẻ bao gồm khoảng 4%; thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân khác khoảng 8% và các khoản vay liên quan đến tài sản khoảng 30% (đã bao gồm vay thế chấp nhà).

"Tuy nhiên, tổn thất tín dụng của ngành có thể sẽ vẫn ở mức thấp và có thể kiểm soát được trong bối cảnh toàn cầu, nhờ các tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành khá chặt chẽ", nhà phân tích tín dụng Shinoy Varghese của S&P Global xếp hạng cho biết.

Ước tính của S&P cho rằng tổn thất tín dụng trung bình của Hong Kong, được xác định là chi phí dự phòng cho các khoản vay của khách hàng, là 25 - 30 điểm cơ bản trong năm 2019 so với 15 - 20 điểm trong năm 2018.

Sự bùng phát của nCov cũng có thể dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh, do đó sẽ có tác động tiêu cực đến các khoản phải thu thẻ tín dụng của các ngân hàng và các khoản phải thu thế chấp nhà ở (ở mức độ thấp hơn).

Trong cuộc khủng hoảng dịch SARS, tỉ lệ thất nghiệp tại Hong Kong đã chạm mức cao nhất mọi thời đại là 8,5%, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn. Tính đến cuối năm 2019, tỉ lệ thất nghiệp của Hong Kong ở mức 3,3%, theo dữ liệu từ Bộ Lao động và Phúc lợi.

S&P cho biết sự bùng phát virus cũng đặt ra một thách thức khác đối với lĩnh vực bất động sản nơi đây khi nhu cầu của người mua nhà có thể sẽ bị giảm thêm. 

Khối lượng giao dịch bất động sản trong dịch SARS đã đạt mức thấp nhất mọi thời đại và lịch sử có thể lặp lại nếu khủng hoảng vẫn còn. Tuy nhiên, báo cáo của S&P cũng cho rằng lĩnh vực này đang được trang bị tốt hơn để chịu được mọi tác động từ nCov so với trước đây.

"Ngành ngân hàng cũng đã tăng cường vốn trong vài năm qua,...Kiểm soát hoạt động cho vay, phát hành vốn cấp 1, tạo ra đủ vốn nội bộ và xử lí tài sản xấu đã tạo nên bộ đệm vốn tốt hơn cho các ngân hàng để đối phó với nguy cơ thua lỗ", Varghese nói thêm. 

Ngoài ra, chính phủ có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ, bao gồm các biện pháp tài khóa mở rộng như các gói kích thích ngắn hạn nhắm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và lĩnh vực bán lẻ.

Vào tháng 10/2019, HKMA đã hạ bộ đệm vốn đối ứng cho các ngân hàng Hong Kong từ 2,5% xuống 2%  nhằm mục đích phát hành thêm 25,74 tỉ  - 38,62 tỉ USD (200 tỉ đô la Hong Kong - HKD) vào nền kinh tế.

Diệp Bình

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.