Tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc có thể vượt ngưỡng 6% nếu dịch corona tiếp diễn
Báo cáo của hãng xếp hạng toàn cầu S&P cho rằng tỉ lệ các khoản cho vay không hiệu quả của các ngân hàng Trung Quốc có thể tăng lên trên 6% nếu dịch coronavirus ở Vũ Hán vẫn tồn tại. Điều này có thể dẫn đến việc tỉ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng sụt giảm, theo đưa tin từ Asiabankingandfinance.
Nhà phân tích tín dụng Ming Tan của S&P Global cho biết: "Tỉ lệ nợ xấu tổng thể (NPL) của hệ thống có thể tăng lên trên 6% nếu tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng này kéo dài, dựa trên mối quan hệ căng thẳng về nguyên tắc giữa GDP và nợ xấu".
Theo ông, nếu điều này xảy ra, tỉ lệ dự phòng có thể giảm xuống 55% từ mức 188%. Và nếu giả sử các ngân hàng đã dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ có vấn đề phát sinh mới (ước khoảng 798 tỉ USD, tương đương 5,6 nghìn tỉ nhân dân tệ), tỉ lệ an toàn vốn của ngành có khả năng giảm khoảng 378 điểm cơ bản.
Mức độ nghiêm trọng của vấn đề này sẽ phụ thuộc vào việc Chính phủ Trung Quốc có thể ổn định tình hình nhanh chóng như thế nào và khả năng khôi phục trở lại và hiệu quả của các biện pháp được thực hiện để làm dịu các tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Mặt khác, nó cũng có thể giúp các cơ quan quản lí tài chính xác nhận và hiệu chỉnh các kịch bản kiểm tra căng thẳng của họ.
Tác động cuối cùng đến GDP của Trung Quốc sẽ phụ thuộc lớn vào mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công của virus và sự gián đoạn của nó tạo ra đối với các hoạt động kinh tế.
Báo cáo lưu ý rằng mặc dù GDP thực tế hàng quí của Trung Quốc đã giảm 1,7 điểm phần trăm hai quí sau khi bắt đầu SARS năm 2003, nhưng cú sốc này đã tồn tại trong thời gian ngắn và hoạt động hồi phục mạnh mẽ trong các quí tiếp theo.
Harry Hu, nhà phân tích tín dụng xếp hạng toàn cầu của S&P cho biết: "Do tình trạng hiện tại đã lan rộng hơn, mức độ ảnh hưởng tới GDP của coronavirus mới có thể tồi tệ hơn, nếu nó không được ngăn chặn sớm".
Mặc dù ngành ngân hàng và nền kinh tế Trung Quốc ngày nay mạnh hơn nhiều so với năm 2003 và đang ở trong tình trạng tài chính tốt hơn để đáp ứng những thách thức nhưng S&P cũng lưu ý thêm rằng dịch SARS đã xảy ra khi nền kinh tế đang có được động lực sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Với bước đà đó, sự phục hồi kinh tế từ dịch SARS có thể nhanh hơn nhiều thời điểm khác.
"Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều rủi ro, điều này có thể làm chậm sự phục hồi của các hoạt động kinh tế và có khả năng mang lại nhiều tổn thất hơn cho ngành ngân hàng", chuyên gia phân tích tín dụng Ryan Tsang nói thêm.