Các ngân hàng trên thế giới cũng lao đao vì virus Corona
Sự xuất hiện của virus Corona - một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp chết người có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán đã có ảnh hưởng lớn tới các hệ thống doanh nghiệp và nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả ngân hàng tài chính, cổ phiếu và công nghệ.
Các chuyên gia của Financial Times đã có bài phân tích về mức độ thiệt hại khủng khiếp của virus mới này trên phương diện kinh tế.
Ngân hàng cách li các nhân viên có khả năng nhiễm bệnh
Các ngân hàng quốc tế và các công ty quản lí tài sản đang mở rộng mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây đã phải cách li các nhân viên có khả năng nhiễm bệnh, cấm đi du lịch và khử trùng văn phòng của họ tại châu Á, theo Reuters đưa tin.
Credit Suisse tại Hong Kong yêu cầu các nhân viên từng đến Trung Quốc trong 14 ngày gần nhất chỉ làm việc tại nhà và không đến trụ sở chính trong tòa tháp Trung tâm Thương mại Quốc tế.
Những nhân viên bị ảnh hưởng sẽ được yêu cầu ở nhà ít nhất hai tuần một lần và lấy chứng chỉ bác sĩ trước khi họ trở về nếu họ bị sốt hoặc có triệu chứng giống cúm. Ngân hàng này cũng đang tiến hành đo thân nhiệt các nhân viên trong văn phòng, yêu cầu nhân viên chỉ đi ra nước ngoài nếu nhu cầu đó thật sự thiết yếu.
Thành viên ngân hàng Thụy Sĩ UBS cũng yêu cầu 2.500 nhân viên ở Hong Kong làm việc tại nhà nếu từng du lịch Trung Quốc gần đây. Các văn phòng chính ở Trung Quốc vẫn mở nhưng nhân viên bị cấm đi du lịch đến Trung Quốc trừ khi được giao nhiệm vụ quan trọng, một phát ngôn viên UBS cho biết.
HSBC đã bắt đầu áp dụng chính sách hạn chế xuất cảnh với toàn bộ nhân viên nhưng việc đi đến đất liền từ Hong Kong không bị cấm. Nhân viên được thông báo sẽ tiếp tục nghỉ cho đến ngày 3/2. Chính phủ Trung Quốc đã kéo dài thêm kì nghỉ Tết Âm lịch truyền thống do diễn biến virus phức tạp.
Trong khi đó, Standard Chartered cũng đã hạn chế tất cả các nhân viên không cần thiết đến văn phòng Trung Quốc và Hong Kong, hủy bỏ các chuyến đi đến Vũ Hán và Hồ Bắc, yêu cầu các nhân viên trở về từ các khu vực bị ảnh hưởng làm việc tại nhà trong 14 ngày.
Fidelity International, một quỹ quản lí đầu tư trị giá 584 tỉ USD, cho biết đang khuyến khích nhân viên tại văn phòng Trung Quốc làm việc tại nhà. Allianz Global Investors, chi nhánh đầu tư trị giá 557 tỉ euro của công ty bảo hiểm Đức, khuyên nhân viên không nên đi du lịch đến các khu vực có nhiễm dịch.
Doanh thu nhiều cửa hàng xa xỉ sụt giảm
Leila Abboud - một blogger nổi tiếng về du lịch và thời trang viết: "Trước các cửa hàng Louis Vuitton, Chanel và Gucci trong trung tâm thương mại Galeries Lafayette ở Paris là một hàng dài khoảng 30 người nói tiếng Trung Quốc. Bên kia đường, tại trung tâm hoàn thuế Galeries Lafayette dành cho khách du lịch châu Á, rất đông người đang chờ đợi làm thủ tục nhận lại tiền thuế sau khi mua sắm.
Hình ảnh quen thuộc này ở thủ đô của Pháp cho thấy tầm quan trọng của các khách hàng Trung Quốc trong lĩnh vực hàng xa xỉ toàn cầu. Thị trường này đã tăng 5% trong năm 2018, đạt 1,3 triệu euro, theo các chuyên gia tư vấn của Bain & Co. Lượng khách Trung Quốc mua sắm trong và ngoài nước chiếm 90% mức tăng trưởng và hơn ⅓ tổng giá trị lượng hàng bán ra.
Điều này đồng nghĩa với việc các tập đoàn lớn trong ngành như LVMH, Kering và Richemont, và các thương hiệu như Hermès và Burberry đang phải đối mặt với vấn đề giảm doanh số nghiêm trọng khi nhu cầu giảm của khách Trung Quốc không còn nhiều.
Cho đến nay, các thương hiệu hàng xa xỉ đã vượt qua thời kì khó khăn do các cuộc biểu tình chính trị ở Hong Kong do dòng giao dịch đã đổ về Trung Quốc đại lục hoặc một số quốc gia khác ở châu Á như Singapore. Tuy nhiên, virus Corona có thể đảo ngược tình hình.
Joëlle de Montgolfier, CEO của Bain, cho biết virus Corona có thể gây thiệt hại gấp đôi trong một khu vực. Những người Trung Quốc không chỉ mua ít hơn trong nước mà còn phải hủy các chuyến đi nước ngoài trong dịp Tết Âm lịch năm nay. "Đây là thời gian họ thường mua hàng xa xỉ với số lượng lớn", bà nói.
Vẫn còn quá sớm để thấy được thiệt hại trong các cửa hàng ở Paris nhưng giới đầu tư trong lĩnh vực này đã giao dịch với mức giá thấp chưa từng có tiền lệ, ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát. Cổ phiếu của LVMH đã giảm 4% trong năm nay, Kering giảm 8% và Burberry giảm 9%.
Các nhà phân tích của RBC ước tính mức giảm 10% trong tiêu dùng của Trung Quốc trong nửa đầu năm sẽ khiến doanh thu của các công ty xa xỉ giảm 2% và lợi nhuận năm hạ tới 4%.