|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lo ngại ảnh hưởng của virus corona, nhiều NHTW quyết định nới lỏng tiền tệ

20:27 | 05/02/2020
Chia sẻ
NHTW Thái Lan, Trung Quốc vừa quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona gây ra. Trong khi đó, NHTW Australia được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản hai lần trong năm 2020.
Lo ngại ảnh hưởng của virus corona, nhiều NHTW quyết định nới lỏng tiền tệ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Dân Trí)

Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) vừa quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỉ lục để hạn chế tác động của dịch virus corona tới nền kinh tế.

Theo đó, Ủy ban chính sách tiền tệ của NHTW Thái Lan đã hạ lãi suất chuẩn 0,25 điểm phần trăm xuống mức 1%. Đồng thời, cơ quan này cũng nhấn mạnh sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách trong trường hợp cần thiết.

Động thái mới nhất của BoT đã đưa lãi suất cơ bản của Thái Lan xuống mức thấp nhất lịch sử. Trước đó, vào tháng 11/2019, BoT đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 1,25%, bằng với mức lãi suất được họ thiết lập trong giai đoạn từ tháng 4/2009 đến tháng 7/2010 nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Quyết định của BoT được đưa ra trước lo ngại sự bùng phát của dịch coronavirus sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế nước này.

Bộ Tài chính Thái Lan mới đây đã hạ triển vọng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 từ 3,3% xuống 2,8% do lo ngại ảnh hưởng dịch coronavirus đối với ngành du lịch cũng như tác động của chiến tranh thương mại và Brexit.

Trung tâm dự báo kinh tế của Ngân hàng thương mại Siam thậm chí còn bi quan hơn khi cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm nay xuống còn 2,1% từ mức 2,7%.

Nền kinh tế Thái Lan được đánh giá dễ bị tổn thương bởi sự bùng phát của coronavirus khi ngành du lịch đóng góp tới 1/5 GDP của đất nước này, và phụ thuộc rất nhiều vào du khách đến từ Trung Quốc (khách du lịch Trung Quốc hiện chiếm khoảng 28% tổng số du khách đến Thái Lan và đã giảm gần 60% trong dịp Tết Nguyên đán 2020).

BoT không phải là ngân hàng trung ương duy nhất nới lỏng chính sách tiền tệ của mình để đối phó với các ảnh hưởng kinh tế của virus corona.

Ngày 2/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tiến hành các hoạt động thị trường mở, bơm 1,2 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 174 tỉ USD) vào hệ thống tài chính nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Trong tuyên bố phát đi sau đó, PBoC cho biết ngân hàng này thực hiện hoạt động mua lại đảo ngược trị giá 1,2 nghìn tỉ nhân dân tệ để duy trì "sự thanh khoản hợp lí và dồi dào" trong hệ thống ngân hàng, cũng như sự ổn định của thị trường tiền tệ trước nguy cơ kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chưa dùng lại, vào ngày 4/2, PBoC tiếp tục bơm 500 tỉ nhân dân tệ (gần 71,5 tỉ USD) tiền mặt vào thị trường thông qua các thỏa thuận mua lại đảo. Động thái trên cho thấy quyết tâm của PBoC trong việc ổn định thị trường và thúc đẩy lòng tin của thị trường.

Tại Australia, các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters dự báo lãi suất sẽ được cắt giảm xuống 0,5% trong tháng 4 và chạm mức 0,25% vào cuối năm nay, do triển vọng kinh tế bị che phủ bởi cháy rừng và tình trạng dịch bệnh do virus corona lan rộng nhanh chóng.

Trước đó, Thống đốc NHTW Australia Philip Lowe đã thừa nhận rằng hai yếu tố trên tạm thời đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế trong nước, nhưng một lần nữa nhắc lại rằng chính sách lãi suất thấp ở Úc sẽ cần duy trì thêm một thời gian dài.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng Quốc gia Australia ước tính các lệnh cấm du lịch do chính phủ nước này đưa ra có thể làm giảm tăng trưởng GDP 0,15 điểm phần trăm trong quí đầu tiên, cũng với những ảnh hưởng tạm thời từ vụ cháy rừng.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda ngày 4/2 cho rằng còn quá sớm để tiếp tục đưa ra các biện pháp nới lỏng tuy nhiên ông sẽ theo dõi sát sao những tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đối với nền kinh tế Nhật Bản và giá cả hàng hoá, cũng như những diễn biến trên thị trường tài chính.

Trước đó, phát biểu sau cuộc họp chính sách tháng 1, các quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng nhắc tới sự bùng phát của dịch bệnh virus corona như một cơn gió ngược mới và có thể làm rung chuyển sự tăng trưởng toàn cầu.

Đồng thời, các quan chức Fed nhấn mạnh sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh để có các biện pháp phù hợp.

Quốc Thụy