Lối đi nào cho ngân hàng khi room tín dụng ngày càng hẹp?
Room tín dụng ngày càng bị thu hẹp
Con số cao nhất là khoảng 15%, trong khi phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) khác được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 12%. Con số này được xem là thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu của năm 2018 khi mà hầu hết các ngân hàng đều được giao hạn mức từ 14-16%.
Phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 12%. Ảnh: THÀNH HOA
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng trong năm 2019. Theo đó, mức tăng cao nhất thuộc về nhóm các ngân hàng đã hoàn thành quản trị rủi ro theo khuôn khổ và tiêu chuẩn của Basel 2 (không tính nhóm các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Con số cao nhất là khoảng 15%, trong khi phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) khác được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 12%. Con số này được xem là thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu của năm 2018 khi mà hầu hết các ngân hàng đều được giao hạn mức từ 14-16%.
Trong những năm gần đây, tín dụng thường có xu hướng năm sau tăng chậm hơn so với năm trước. Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, dẫn tới kết quả đó. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là sự chủ động mang tính định hướng của NHNN. Theo đó, hệ thống ngân hàng với vai trò là trung gian trên thị trường tiền tệ, sẽ chỉ hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho nền kinh tế thông qua các khoản cho vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp, các hộ gia đình. Trong khi đó, chức năng cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn sẽ thuộc về thị trường vốn, mà đóng vai trò trung tâm là thị trường chứng khoán (TTCK). Đó là nhu cầu về vốn để triển khai thêm các dự án đầu tư mới thông qua việc mua sắm và xây dựng tài sản cố định.
Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao NHNN vẫn quyết tâm hạ thấp tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Thực trạng này đang đặt các ngân hàng đối mặt với áp lực phải thu hẹp quy mô hoạt động trong tương lai. Do vậy, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tài sản ở mức cao các ngân hàng cần phải tìm cho mình một hướng đi mới. Một trong số đó là nghiệp vụ chứng khoán hóa các khoản cho vay (secured loans).
Cũ người
Chứng khoán hóa là nghiệp vụ đã được triển khai từ rất lâu tại các thị trường tài chính phát triển, đặc biệt là tại Mỹ và các nước châu Âu. Hiểu một cách đơn giản nhất, đây là quá trình tái cấu trúc hay chuyển hóa các tài sản có tính thanh khoản thấp như các khoản cho vay, phải thu... thành trái phiếu, hay gọi chung là chứng khoán và đưa chúng ra giao dịch trên TTCK.
Tính chất đặc trưng nhất của nghiệp vụ này là việc biến một tài sản có thanh khoản thấp thành loại tài sản có tính thanh khoản cao hơn. Phổ biến nhất trên thế giới là việc chứng khoán hóa các khoản cho vay của ngân hàng mà được thế chấp bằng bất động sản. Theo đó, các ngân hàng sẽ chuyển hóa các khoản cho vay thành trái phiếu và bán các trái phiếu này cho các nhà đầu tư (cả cá nhân và tổ chức). Để hấp dẫn các nhà đầu tư thì các khoản trái phiếu này sẽ phải được niêm yết trên TTCK. Bởi lẽ, khi đó các nhà đầu tư sẽ dễ dàng mua đi và bán lại.
Như chúng ta đã biết, trái phiếu là một loại chứng khoán có mức lợi tức (Yield) cố định. Tuy nhiên, trái phiếu cũng có sự biến động về thị giá như cổ phiếu hay các chứng chỉ quỹ. Giá trái phiếu tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào diễn biến của mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ. Khi lãi suất tăng lên thì giá trái phiếu sẽ giảm xuống và ngược lại. Như vậy, khi thực hiện nghiệp vụ này thì các ngân hàng đã chuyển các khoản cho vay ra khỏi bảng cân đối tài sản của mình, đồng thời người sở hữu trái phiếu sẽ được hưởng toàn bộ quyền và lợi ích mà người đi vay sẽ phải chi trả trong tương lai.
Ta chỉ mới manh nha
Mặc dù chưa được thừa nhận với tên gọi là sản phẩm hay nghiệp vụ chứng khoán hóa, nhưng nó đã manh nha hình thành tại Việt Nam trong 1-2 năm gần đây. Đó là việc các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo lô lớn, rồi chia ra thành các lô nhỏ hơn để bán lại cho các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp. Để có thể vận hành được sản phẩm này thì TPDN thường phải đáp ứng được đồng thời cả hai điều kiện. Thứ nhất, doanh nghiệp phải thực sự có uy tín về thương hiệu, thậm chí phải được xếp hạng bởi các tổ chức tín nhiệm có uy tín. Thứ hai, lợi suất của trái phiếu phải cao hơn lãi suất tiền gửi của các ngân hàng. Để hấp dẫn các nhà đầu tư, ngân hàng sẽ thường đưa thêm lựa chọn, như nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư vào loại trái phiếu có bảo lãnh thanh toán hoặc là không có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Trái phiếu được bảo lãnh sẽ có mức lợi suất thấp hơn loại không được bảo lãnh. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ phải xây dựng cơ chế để nhà đầu tư có thể dễ dàng bán lại khi có nhu cầu. Thực tế trên thị trường hiện nay, trái phiếu của các tập đoàn Vingroup, Masan, Novaland và EVN đang thu hút được sự quan tâm lớn với các kỳ hạn đa dạng từ 2-10 năm và lợi suất 8-11%/năm.
Nghiệp vụ chứng khoán hóa các khoản cho vay rất phát triển tại Mỹ, bởi nó giúp cho tất cả các bên tham gia đạt được mục tiêu của mình. Doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, còn ngân hàng mở rộng được hoạt động kinh doanh trong khi nhà đầu tư thu được mức lợi suất cao hơn so với tiền gửi tại các ngân hàng.
Tuy nhiên, quy mô về số lượng các nhà đầu tư cá nhân và các nhà đầu tư tổ chức (không phải ngân hàng) sở hữu TPDN vẫn còn rất nhỏ tại Việt Nam. Để sản phẩm này có thể phát triển mạnh, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của tất cả các bên, trong đó, đặc biệt là vai trò quản lý của Nhà nước mà trực tiếp là Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng như các Sở Giao dịch chứng khoán.
Theo đó, cần phải có hành lang pháp lý để tất cả các bên cũng hiểu được vai trò của mình. Quan trọng nhất là phải xây dựng được hệ thống các cơ quan đánh giá tín nhiệm độc lập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải chủ động minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc hạch toán kế toán theo các tiêu chuẩn quốc tế (IFRS). Và cuối cùng, bản thân các nhà đầu tư cũng phải tự nâng cao năng lực hiểu biết về những lợi ích của các sản phẩm có tính chất đặc thù này.